Từ vụ Đầm Sen, du lịch siết chặt chống dịch

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động Công viên nước Đầm Sen bảy ngày (kể từ ngày 3-5) đến khi có phương án chống dịch an toàn. Tiếp đó, công viên này bị cơ quan chức năng phạt 30 triệu đồng do vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.

Sau vụ việc trên, các công ty du lịch cho biết đang siết chặt hơn và tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch. Bởi an toàn là yếu tố được du khách ưu tiên hàng đầu khi chọn đi du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19.

Các công ty du lịch đang siết chặt hơn việc phòng chống dịch. Ảnh: TÚ UYÊN

Ông TỪ QUÝ THÀNH, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang:

Nhiều khách muốn hủy tour

Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, người dân ồ ạt kéo nhau đi du lịch, giúp du lịch trong nước rất sôi động. Nhưng ngay khi phát hiện ca nhiễm ở một số địa phương, du khách có tâm lý e ngại. Thậm chí một số khách dù đã đăng ký tour khởi hành trong tháng 5, tháng 6 có ý định hủy tour. Điều này cho thấy an toàn là ưu tiên hàng đầu của du khách khi quyết định đi du lịch.

Tuy nhiên, tôi cho rằng du lịch an toàn sẽ hình thành nếu tất cả mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, du lịch sẽ an toàn khi Việt Nam tiêm vaccine cho toàn dân với tỉ lệ đạt từ 60% trở lên.

Đến nay, dịch đã xảy ra hơn một năm nên các công ty du lịch đều trong tâm thế phải sống chung với dịch và tập trung hướng dẫn du khách đi du lịch sao cho an toàn nhất. Việc này thực hiện bằng nhiều cách như liên tục phổ biến những quy định của Bộ Y tế về thực hiện nghiêm ngặt 5K, đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay cho du khách…

Ngoài ra, khi thấy điểm tham quan đông người, chúng tôi chủ động thay đổi điểm đến nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn cho du khách. Trong trường hợp nếu phát hiện khách có những dấu hiệu bị sốt, ho… chúng tôi sẽ khuyến cáo khách nghỉ ngơi, tạm không tham gia theo đoàn và nếu cần thiết thì hỗ trợ khách đến trạm y tế gần nhất.

HUỲNH PHAN PHƯƠNG HOÀNG, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel:

Nắm chắc thông tin sức khỏe du khách

Đây là đợt dịch thứ tư xảy ra nên các công ty du lịch đã xác định phải “sống chung với dịch như sống chung với lũ”. Do đó, chúng tôi xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn gồm điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn và nhân viên được tập huấn các biện pháp an toàn.

Các kịch bản xử lý tình huống phát sinh trong tour liên quan đến dịch cũng được chúng tôi chuẩn bị và tập huấn kỹ lưỡng cho tất cả nhân viên, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho du khách được đặt lên hàng đầu. Chẳng hạn nhà hàng có phương án phân chia đồ ăn theo từng phần riêng cho khách; nắm chắc thông tin sức khỏe của du khách trong suốt hành trình du lịch và 14 ngày sau khi kết thúc tour…

Với việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch nên hiện nay những địa phương nào an toàn, chúng tôi vẫn tổ chức tour phục vụ nhu cầu du lịch của du khách.

ĐOÀN THỊ THANH TRÀ, Giám đốc tiếp thị truyền thông Saigontourist:

Truyền thông sâu rộng đến khách du lịch tự túc

Để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo an toàn cho du khách, tùy theo tình hình thực tế của dịch và thông báo chính thức của cơ quan chức năng, công ty sẽ áp dụng điều chỉnh tuyến điểm tham quan, dịch vụ. Đồng thời, chúng tôi áp dụng các chính sách bảo lưu dịch vụ, hỗ trợ tối đa cho du khách trong các trường hợp bất khả kháng phải hủy tour.

Trong tình hình dịch hiện nay, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và quản lý tốt các dịch vụ lữ hành sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả thị trường trong nước. Bản thân công ty tôi hiện chỉ khai thác các tour tuyến nằm trong vùng an toàn. Cụ thể, nếu khu vực nào an toàn thì công ty du lịch sẽ triển khai, nếu không sẽ tạm dừng khai thác.

Tuy nhiên, hiện nay lượng khách đi du lịch tự túc khá cao thay vì đi theo tour do các công ty tổ chức. Thế nhưng không ít người còn chủ quan, thiếu ý thức bảo vệ an toàn cho cộng đồng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần truyền thông nhiều hơn nữa để nâng cao ý thức tự giác vì sức khỏe cộng đồng cho đối tượng này.

Ông ĐẶNG MẠNH PHƯỚC, Giám đốc điều hành Outbox Consulting:

Cấp chứng nhận an toàn cho công ty du lịch

Thực tế cho thấy nếu dịch diễn biến phức tạp thì khó lòng để khách an tâm đi du lịch. Tuy nhiên, có một điều tích cực là đối với thị trường nội địa, người Việt Nam khá lạc quan và tin tưởng vào năng lực kiểm soát dịch của Chính phủ nên họ vẫn giữ xu hướng đi du lịch ngay khi có thể.

Tuy nhiên, để du lịch được an toàn thì hai yếu tố bắt buộc phải có. Thứ nhất, cần một bộ tiêu chuẩn an toàn chung áp dụng trên phạm vi cả nước. Bộ tiêu chuẩn này phải quy định cụ thể về các hình thái du lịch và tất cả địa phương, doanh nghiệp liên quan áp dụng.

Nếu các bên liên quan thực hiện tốt, cơ quan nhà nước cần cấp nhãn an toàn như Singapore cấp nhãn SG-Clean cho các đơn vị kinh doanh du lịch đạt chứng nhận an toàn.

Thứ hai, phải có kịch bản vận hành du lịch để ứng biến với các mức độ rủi ro khác nhau, phù hợp với tình hình mới và được thống nhất liên ngành. Có như vậy mới có thể sống chung với dịch được.

Phong tỏa khách sạn nếu nghi ngờ khách nhiễm COVID-19

Ngày 5-5 vừa qua, Sở Du lịch TP.HCM đã triển khai đến các cơ sở lưu trú du lịch (không phải là cơ sở cách ly) xử lý các tình huống phát sinh trong tình hình dịch COVID-19. Ví dụ, khi phát hiện khách có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19, nhân viên khách sạn cần báo ngay cho cán bộ y tế phụ trách tại địa phương; yêu cầu tất cả khách lưu trú và nhân viên khách sạn ở tại chỗ, ai ở đâu ở yên đó, người cách ly ở trong phòng; phong tỏa toàn bộ khách sạn…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho hay các đơn vị lưu trú tham khảo quy trình này và căn cứ tình hình thực tế để áp dụng cụ thể cho đơn vị mình. Đối với quy trình xử lý các tình huống phát sinh tại điểm tham quan và lữ hành, sở đang lấy ý kiến của các đơn vị liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm