Tương lai bất ổn của ‘thái tử’ Samsung

Sáng 19-1, Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong được phép về nhà sau 14 tiếng bị tạm giữ tại Trung tâm giam giữ Seoul, sau khi Tòa án Trung tâm Seoul tạm thời bác lệnh bắt do Văn phòng công tố đặc biệt đề xuất ngày 12-1 với các cáo buộc hối lộ, tham ô và khai man.

Ông Lee và Tập đoàn Samsung đóng góp 30 tỉ won (hơn 25 triệu USD) cho hai quỹ phi lợi nhuận và một công ty do bà Choi Soon-sil, bạn thân Tổng thống Park Geun-hye, điều hành. Các công tố viên nghi ngờ động cơ đóng góp là để chính phủ Hàn Quốc ủng hộ vụ sáp nhập hai công ty con Samsung C&T và Cheil Industries của Samsung năm 2015.

Theo tòa án thì đến lúc này Văn phòng công tố đặc biệt vẫn chưa cung cấp đủ chứng cứ để tòa duyệt lệnh bắt. Dù ông Lee thoát được lần này nhưng Văn phòng công tố đặc biệt vẫn tiếp tục điều tra, thu thập đủ chứng cứ.

Chân dung “thái tử” Samsung

Ông Lee năm nay 49 tuổi, là con trai duy nhất của Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. Sinh ra tại Mỹ, ông Lee có thể nói lưu loát ba thứ tiếng Hàn, Nhật, và Anh. Ông Lee có bằng đại học lịch sử Đông Á ở ĐH Seoul, bằng thạc sĩ quản lý kinh tế ĐH Keio (Nhật), từng theo học tiến sĩ quản lý kinh tế ĐH Harvard (Mỹ) nhưng không lấy bằng.

Ông Lee bắt đầu làm việc ở Samsung từ năm 1991, trải qua nhiều vai trò quản lý, trở thành phó chủ tịch Samsung năm 2012. Sau khi cha là ông Lee Kun-hee nằm liệt giường sau cơn đau tim năm 2014, ông Lee bắt tay vào quản lý tập đoàn.

Ông Lee là nhân vật giàu thứ ba Hàn Quốc với tài sản hơn 10 tỉ USD, sau cha là ông Lee Kun-hee, người giàu nhất Hàn Quốc với 12,6 tỉ USD. Tạp chí Forbes năm 2014 từng đưa tên ông Lee vào danh sách 35 người quyền lực nhất thế giới và là người quyền lực nhất Hàn Quốc.

Ông Lee nổi tiếng với tính cách kiên định, thái độ trầm tĩnh, lịch sự, thường đích thân bỏ thời gian trả lời thư điện tử, có thái độ vui vẻ khi tiếp xúc báo giới.

Tương lai kế vị của ông Lee Jae-yong (giữa) tại Samsung  đang bị lung lay. Ảnh: AP

Ngôi vị lung lay

Ông Lee được truyền thông Hàn Quốc gọi là “thái tử” của Samsung khi được xem là người thừa kế tương lai chức chủ tịch tập đoàn từ cha mình. Tuy nhiên, với việc vướng vào vụ điều tra này, tương lai kế vị của ông Lee rơi vào tình trạng bất định.

New York Times dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích đã khoanh vùng hai lãnh đạo cấp cao nhiều khả năng sẽ được chọn kế vị thay cho ông Lee nếu ông vào tù.

Một người là Kwon Oh-hyun, 65 tuổi, được xem là người đưa Samsung trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực thẻ nhớ và chất bán dẫn, đang là phó chủ tịch và tổng giám đốc của Samsung Electronics. Ông Kwon học đại học ở Hàn Quốc và có bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện tử ở Mỹ, vào làm cho Samsung từ năm 1985, gắn bó với mảng sản xuất chất bán dẫn và thẻ nhớ của Samsung và thăng tiến rất nhanh. Ông Kwon trở thành phó chủ tịch Samsung vào tháng 12-2011, từng được tạp chí Time năm 2013 đưa vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới.

Người thứ hai là Choi Gee-sung, 66 tuổi, đứng đầu trong xây dựng mảng tivi của Samsung, đưa mảng tivi Samsung vượt qua Sony một thập niên trước. Ông Choi chỉ có bằng đại học tại Hàn Quốc, bắt đầu sự nghiệp ở Samsung từ vị trí trưởng bộ phận thiết kế, đang là chủ tịch và giám đốc điều hành mảng truyền thông kỹ thuật số của Samsung Electronics.

So với hai nhân vật trên, ông Lee có lợi thế về học vấn và tuổi trẻ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lo ngại về khả năng điều hành tập đoàn của ông khi năng lực chưa hề được chứng minh. Trong suốt quá trình làm việc tại Samsung, ông Lee chưa một lần chính thức trả lời phỏng vấn về hoạt động của tập đoàn. Công ty khởi nghiệp duy nhất của ông Lee ngoài Samsung là một công ty kinh doanh trên mạng thành lập năm 2000, đã thất bại và giải thể.

“Chúng tôi thật sự không biết ông ấy có thể làm gì” - nhà phân tích chính sách kinh doanh Chang Sea Jin tại ĐH Singapore nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, khi ông Lee mới nhận chức phó chủ tịch Samsung.

Dù sao năng lực ông Lee đã phần nào được chứng minh khi ông tìm kiếm được sự hợp tác với Tập đoàn Apple (Mỹ). Samsung sản xuất các chi tiết phần cứng (màn hình, chip…) dùng trong các thiết bị của sản phẩm Apple, từ đó tiến tới phát triển công nghệ OLED hiện dùng trong các sản phẩm của Samsung.

Nếu ông Lee bị bắt, Samsung sẽ thế nào?

Vụ ông Lee bị điều tra gây sốc không chỉ Hàn Quốc mà cả các nước châu Á, khi nhân vật này không chỉ được xem là biểu tượng của tương lai Samsung mà còn là một trong những nhân vật sống còn với kinh tế nước này.

Theo ông Kim Sang-jo, Giám đốc điều hành tổ chức Thống nhất vì cải cách kinh tế - giám sát các tập đoàn lớn, khả năng ông Lee bị bắt rất có thể xảy ra vì ngành tư pháp đang phải chịu sức ép từ công luận yêu cầu không được để ngoại lệ cho các tập đoàn lớn, đặc biệt là Samsung.

Ông Lee Jae-yong trong một phiên điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc tháng 12-2016. Ảnh: HANKYOREH

Chính vì sức ép này, ngày 16-1, các công tố viên đã buộc tội ông Moon Hyung-pyo, Chủ tịch Cơ quan Phúc lợi Quốc gia, vì lạm dụng quyền lực. Ông Moon đã chỉ đạo cơ quan này ủng hộ và tạo điều kiện vụ sáp nhập hai công ty con Samsung C&T và Cheil Industries của Samsung năm 2015.

Cơ quan Phúc lợi Quốc gia là cổ đông lớn nhất của Samsung C&T. Các cổ đông nhỏ cho rằng vụ sáp nhập này làm lợi cho các thành viên gia đình ông Lee nhưng gây thiệt hại cho bộ phận cổ đông nhỏ.

Liên đoàn Chủ lao động Hàn Quốc cho rằng nếu Lee con phải vào tù trong khi Lee cha còn liệt giường thì Samsung sẽ khuyết vị trí điều hành, vì vậy không nên giam giữ Lee con trong quá trình điều tra.

Nhiều công tố viên tại Văn phòng công tố đặc biệt dù cương quyết phải thực thi công lý nhưng cũng thừa nhận lo ngại việc ông Lee bị bắt có thể ảnh hưởng xấu đến kinh tế Hàn Quốc. Doanh thu của Samsung - do ông Lee Byung chul, ông nội của ông Lee, sáng lập năm 1938 - hiện tương đương 20% GDP của Hàn Quốc.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, dù ông Lee có bị bắt, bị buộc tội và phải vào tù thì vẫn có thể điều hành tập đoàn Samsung từ nhà tù.

Trao đổi với Bloomberg, GS Lee Kyung-mook tại Trường Kinh doanh (thuộc ĐH Quốc gia Seoul) cho biết Hàn Quốc có lịch sử các lãnh đạo các tập đoàn lớn điều hành công việc từ nhà giam, thông qua các luật sư hoặc các thư ký đến thăm họ.

Theo ông Kim Sang-jo, việc ông Lee bị bắt dù có thể gây chút ảnh hưởng tiêu cực về ngắn hạn nhưng sẽ không làm lung lay việc điều hành Samsung. Các công ty con của Samsung có hệ thống quản lý chuyên nghiệp hơn bất kỳ tập đoàn nào của Hàn Quốc.

Điều đáng lo là nếu bị bắt, nhiều khả năng ông Lee sẽ bị kìm chân trong việc thể hiện năng lực quản lý như một người kế vị. Ông Lee sẽ lỡ mất cơ hội vào cuộc thay thế dàn lãnh đạo già cỗi ở Samsung bằng các quản lý mới làm việc ăn rơ với ông.

Ông Lee Jae-yong bị Ủy ban Điều tra Quốc hội và các công tố viên thẩm vấn điều tra về vụ việc từ cuối năm 2016. Trước sau ông Lee vẫn bác bỏ các cáo buộc, thừa nhận có chuyện đóng góp nhưng không thừa nhận đó là nhằm bôi trơn hoạt động kinh doanh.

Tiến trình điều tra lên cao trào vào ngày 12-1 khi ông Lee bị Văn phòng công tố đặc biệt triệu tập thẩm vấn. Sau 22 giờ thẩm vấn liên tục, chỉ cho ăn hai bữa rẻ tiền, không cho ngủ, Văn phòng công tố tuyên bố xin lệnh bắt ông Lee.

Sáng 18-1, ông Lee bị triệu tập đến Tòa án Trung tâm Seoul chờ nghe quyết định của tòa án về lệnh bắt. Sáng 19-1, tòa bác đề xuất bắt của Văn phòng công tố vì không đủ chứng cứ. Dù không bị bắt lần này nhưng ông Lee vẫn tiếp tục bị điều tra. Không loại trừ khả năng tới đây Văn phòng công tố sẽ tiếp tục xin lệnh bắt khi có thêm chứng cứ.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm