Chuyện cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vốn lắng từ thời Obama nay lại nóng lên dưới thời chính phủ Trump. Thăm Ukraine ngày 24-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cam kết sẽ giúp nước này đối phó với Nga, cho biết chính phủ Trump đang cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine.
“Tôi sẽ xem xét tình hình hiện tại và có thể sẽ thông báo đến Bộ Ngoại giao và Tổng thống đề xuất của tôi” - ông Mattis nói, không đề cập cụ thể về thời gian hay nội dung kế hoạch cung cấp vũ khí ông sẽ đề nghị ông Trump.
Mỹ đã cung cấp khoảng 750 triệu khí tài, thiết bị quân sự cho Ukraine, gồm áo bọc sắt, dụng cụ tăng tầm nhìn ban đêm, vô tuyến, xe đa dụng quân sự Humvee, radar xác định vị trí quân địch. Tuy nhiên Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, lo ngại sẽ khiêu khích Nga. Và ông Mattis ngày 24-8 đưa ra lý lẽ bảo vệ việc này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) và người đồng cấp Stepan Poltorak tại Kiev (Ukraine) ngày 24-8. Ảnh: REUTERS
“Vũ khí phòng thủ không phải là sự khiêu khích khi nước đó không phải là kẻ gây hấn, và rõ ràng Ukraine không phải là kẻ gây hấn khi lãnh thổ của họ đang xảy ra giao tranh” – ông Mattis nói trong cuộc họp báo chúng với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ông Mattis là bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Ukraine sau gần một thập niên. Vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Ukraine trước ông Mattis là Robert M. Gates hồi tháng 10-2007.
“Bất kỳ vũ khí phòng thủ nào cũng sẽ khiến Nga phải tăng cái giá phải trả nếu tấn công quân đội và lãnh thổ chúng tôi” – theo ông Poroshenko, thêm rằng Ukraine đã sử dụng có trách nhiệm hệ thống khí tài không mang tính sát thương mà Mỹ cung cấp. Ông Poroshenko nói vẫn còn đang có khoảng 3.000 quân Nga ở đông Ukraine, đề nghị Nga rút quân, ngưng hỗ trợ phe đòi ly khai.
Theo New York Times, thực tế thỏa thuận hòa bình Minsk – do Nga, Ukraine, các nước châu Âu thương lượng ký năm 2015 - bị sụp đổ, việc Nga tăng sức mạnh quân sự trong khu vực, và cả Mỹ thay chính phủ đã làm nóng trở lại chuyện cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Tuy nhiên Tổng thống Donald Trump, vốn muốn hòa giải hơn với Nga, vẫn chưa quyết định.
New York Times cho biết quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là ủng hộ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.Các quan chức hai Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ từng đề nghị Mỹ cung cấp tên lửa chống tăng Javelin và một số vũ khí phòng thủ khác cho Ukraine để tăng cường sức mạnh đối phó Nga. Các quan chức quân đội Mỹ đã bắt đầu nghĩ về việc huấn luyện quân Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa Javelin.
Nhiều nước châu Âu không đồng ý khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel cực lực phản đối khi ông Obama xem xét nó năm 2015, cho rằng bà điều này sẽ sẽ đổ thêm dầu vào lửa.