Tuyên bố ASEAN nhấn mạnh hợp tác kinh tế, tăng cường chất lượng sống

(PLO)- ASEAN kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng kinh tế tích cực và mở rộng hợp tác với đối tác bên ngoài thông qua các hiệp ước quốc tế và cơ chế có sẵn.

Ngày 7-9, Hội nghị Cấp cao các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 đã ra tuyên bố của chủ tịch với nhiều nội dung nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin cậy giữa các nước trong khu vực để duy trì hòa bình, ổn định, đồng thời đề ra các nội dung hợp tác trong thời gian tới trong nội bộ khối lẫn với các đối tác bên ngoài.

Tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN

Tuyên bố cho biết các lãnh đạo đã nhìn nhận sự tiến bộ của ASEAN và tái khẳng định cam kết thúc đẩy hơn nữa việc củng cố ASEAN thành một tổ chức mạnh mẽ và linh hoạt, với năng lực được tăng cường và thể chế được đổi mới để giải quyết các vấn đề và thách thức hiện nay. ASEAN cam kết đóng vai trò là tâm điểm của tăng trưởng và thịnh vượng cho khu vực và hơn thế nữa, phù hợp với người dân khu vực và thế giới.

Về xung đột Ukraine, ASEAN tiếp tục tái khẳng định tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia. ASEAN kêu gọi các bên tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việc quan trọng lúc này chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và tham gia nghiêm túc vào một cuộc đối thoại thực sự nhằm giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp.

ASEAN tái khẳng định cam kết củng cố Cộng đồng ASEAN, cũng như tái khẳng định cam kết chung của khối đối với việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng những nguyên tắc pháp lý và đối thoại mà không sử dụng đến việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Để làm được điều này, tuyên bố nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì một môi trường cởi mở, lấy ASEAN làm trung tâm, cùng với cấu trúc khu vực toàn diện, minh bạch, linh hoạt nhằm duy trì các nguyên tắc quốc tế và tăng cường sự tham gia và hợp tác của ASEAN với các đối tác và đối tác bên ngoài, bao gồm thông qua các diễn đàn hiện có do ASEAN chủ trì nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển.

Đồng thời, ASEAN tiếp tục cam kết duy trì chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á năm 1976 (TAC), UNCLOS 1982 và một số hiệp ước quốc tế khác.

Các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia ngày 7-9. Ảnh: AP

Các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia ngày 7-9. Ảnh: AP

Hợp tác cùng phát triển trong tương lai

Về kinh tế, tuyên bố khẳng định ASEAN vẫn là một điểm sáng kinh tế trong năm 2023, có triển vọng tốt hơn trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng. Kinh tế ASEAN được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng tích cực đà tăng trưởng 4,6% vào năm 2023 và 4,9% vào năm 2024, tổng hàng hóa thương mại và đầu tư tăng lên mức kỷ lục 3,8 ngàn tỉ USD và 224,4 tỉ USD tương ứng, tổng kim ngạch thương mại tăng 14,9% và dòng vốn đầu tư trực tiếp tăng 5,5%.

ASEAN cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN cũng như các đối tác bên ngoài để duy trì và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế khu vực thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi các lĩnh vực như nền kinh tế kỹ thuật số và xanh để củng cố vị thế của ASEAN làm trung tâm của sự tăng trưởng.

Các lãnh đạo ASEAN hoan ngênh những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm việc thông qua TOR của Đơn vị hỗ trợ RCEP (RSU) và Thỏa thuận tài trợ cho RSU ở Hội nghị Bộ trưởng RCEP năm ngoái và mong muốn đưa RSU vào hoạt động vào năm 2024. Việc đảm bảo thực hiện hiệu quả RCEP là nhu cầu cấp thiết nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch trong khu vực, tăng cường chuỗi cung ứng khu vực và hỗ trợ nền kinh tế ASEAN hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới.

ASEAN ghi nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ về khu vực cũng như và những phát triển mới trong tái cấu trúc chuỗi cung ứng quốc tế, hệ thống thuế quan và đầu tư chuyển đổi năng lượng, bao gồm đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện trong khu vực.

ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đầu tư góp phần nâng cao các mục tiêu phát triển bền vững theo yêu cầu của khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) và tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực của ASEAN như một điểm đến đầu tư bền vững. Vì thế, các lãnh đạo đã hướng tới xây dựng văn kiện về hướng dẫn đầu tư bền vững của ASEAN để ký kết vào năm 2024 và triệu tập Diễn đàn đầu tư ASEAN với chủ đề “Đầu tư cho phát triển bền vững” mới đây.

Về chính trị - xã hội, ASEAN tái cam kết biến Đông Nam Á thành trung tâm của tăng trưởng phù hợp và mang lại lợi ích cho người dân, đảm bảo một cộng đồng ASEAN với chất lượng cuộc sống cao và có khả năng thích ứng và đáp ứng các thách thức hiện tại và tương lai. Một trong những ưu tiên hiện nay là phải tăng cường đầu tư vào nguồn nhân lực, phát triển và củng cố kiến ​​trúc y tế khu vực, mở rộng quy mô hợp tác và đối tác trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, các vấn đề môi trường, để phát triển một nền kinh tế cạnh tranh và bền vững.

Ngoài ra, ASEAN cũng sẽ tập trung tăng cường khả năng phục hồi cấu trúc y tế ASEAN hướng tới các bệnh mới nổi và không mới nổi, đại dịch, giải quyết các vấn đề nhân khẩu và biến đổi khí hậu, bao gồm thông qua việc tăng cường sức mạnh tổng hợp và hợp tác giữa các lĩnh vực y tế và tài chính, thúc đẩy khả năng tương tác của nỗ lực y tế khu vực và toàn cầu, cũng như nâng cao chất lượng y tế dịch vụ dành cho người dân ASEAN trong suốt cuộc đời với mức phí công bằng, giải quyết các rủi ro về sức khỏe và cải thiện khả năng tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người lây nhiễm và không lây nhiễm bệnh tật, bà mẹ và trẻ em, giúp các đối tượng này tiếp cận chuyên gia chăm sóc sức khỏe hàng đầu ở các hệ thống y tế công.•

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Đông Á
lần thứ 18

Cùng ngày 7-9 đã diễn ra Hội nghị Đông Á (EAS) lần thứ 18 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm vóc và giá trị chiến lược của EAS là nơi các lãnh đạo đối thoại, định hướng vì hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, cùng nhau đẩy mạnh hợp tác, hóa giải xung đột, nâng cao nhận thức để tiến lại gần nhau hơn, theo TTXVN.

Để EAS thực sự phát huy vai trò quan trọng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, EAS cần định hình cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật pháp quốc tế. Đồng thời, ASEAN sẵn sàng tham vấn, đối thoại và hợp tác bình đẳng, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, cùng ứng phó các thách thức chung, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển, trông đợi các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN bằng cả lời nói và hành động.

Thứ hai, EAS cần tạo dựng động lực mới cho tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Theo đó, các thị trường rộng mở, chính sách thông thoáng, đặc biệt cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn thay vì áp dụng các biện pháp cục bộ, ngắn hạn, đưa EAS trở thành tâm điểm của giao thương, kết nối các chuỗi cung ứng, duy trì hàng hóa và dịch vụ thông suốt.

Thứ ba, EAS cần hướng tới tương lai, cần xác định hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển là mục tiêu; đối thoại, hợp tác là công cụ. Đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành là nền tảng, nguyên tắc quan trọng tạo nên thành công của ASEAN trong hàng chục năm qua. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) chính là những công cụ rất hữu hiệu để phục vụ cho mục tiêu chung, hòa bình, ổn định khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm