Ngày 11-3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Động thái của WHO bị nhiều chuyên gia và cả quan chức y tế, chẳng hạn Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta cho là quá chậm.
WHO cũng có cái khó của mình trong việc cân nhắc để ra quyết định tuyên bố đại dịch. WHO rất lo ngại và nhạy cảm với khả năng từ “đại dịch” sẽ gây bất an hơn cho toàn cầu. Trước đây khi chưa quyết định tuyên bố đại dịch, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng lo bản thân từ “đại dịch” có thể chỉ gây sợ hãi mà không giúp đưa tới bất kỳ sự ngăn chặn nào thêm hay giúp cứu thêm một ai đối với bệnh COVID-19.
Kinh tế chắc chắn sẽ bị tác động
Trên báo Social Europe chuyên về chính sách kinh tế, nhà kinh tế học người Anh Simon Wren-Lewis - giáo sư giảng dạy chính sách kinh tế tại Trường đào tạo lãnh đạo Blavatnik thuộc Đại học Oxford vừa có bài viết phân tích các tác động của đại dịch COVID-19 với kinh tế.
Ông Wren-Lewis cho biết hơn 10 năm trước, có một số chuyên gia y tế tiếp cận ông để tìm hiểu đại dịch cúm có ảnh hưởng gì đến kinh tế, từ đó nghiên cứu biện pháp giúp cân bằng. Và rồi ông và các chuyên gia y tế này đã cùng xuất bản một bài viết trên tạp chí Health Economics.
Nhà kinh tế học người Anh Simon Wren-Lewis - giáo sư giảng dạy chính sách kinh tế tại Trường đào tạo lãnh đạo Blavatnik thuộc Đại học Oxford. Ảnh: THE FREETHINK TANK
Theo ông Wren-Lewis, đại dịch COVID-19 có bản chất khác với đại dịch cúm mà ông và một số chuyên gia y tế đã cùng nghiên cứu. Tuy nhiên, ông cho rằng có một số bài học chung từ các hoạt động nghiên cứu ông và các chuyên gia y tế đã làm trong trường hợp COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu.
Một hậu quả thứ phát của việc tuyên bố bất kỳ đại dịch toàn cầu nào là kinh tế sẽ bị tác động, đặc biệt trong trường hợp đại dịch đó có tỉ lệ tử vong cao như COVID-19.
Viễn cảnh ít nghiêm trọng nhất
Bắt đầu từ viễn cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nhẹ nhất. Đó là giảm sản lượng vì công nhân phải nghỉ làm nhiều vì đại dịch. Đây là viễn cảnh ít nghiêm trọng nhất, vì các công ty luôn có cách vượt qua điều này với sự trợ giúp của chính phủ, đặc biệt nếu đại dịch kéo dài quá một quý (3 tháng). Điều này có thể sẽ làm tăng chi phí, dẫn đến lạm phát tạm thời, nhưng ngân hàng trung ương sẽ có cách. Rồi những ai sau thời gian nghỉ bệnh quay trở lại làm việc và có thể làm thêm giờ để bù lại.
Người tình nguyện Trung Quốc từ tổ chức phi lợi nhuận Đội cứu hộ Blue Sky mang thiết bị khử trùng đến các khu vực dân cư ở Bắc Kinh. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Wren-Lewis lấy trường hợp cụ thể là Anh, đại dịch COVID-19 sẽ làm GDP của Anh giảm vài điểm phần trăm trong một quý. Con số chính thức sẽ tùy vào lượng người dân nhiễm bệnh, tùy vào tỉ lệ tử vong, tùy vào bao nhiêu người không thể đi làm để ngăn dịch lây lan. Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đến GDP cả năm của các nước không nhiều lắm, chẳng hạn ở Anh chỉ trong khoảng 1%-2%.
Lý do, vì sản lượng của các nước sau khi đại dịch qua đi sẽ cao hơn khi các công ty đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nguồn cung.
Một lý do nữa là các trường học sẽ không còn đóng cửa một khi đại dịch không còn. Đóng cửa trường học mùa đại dịch cũng là một nguyên nhân khiến sản lượng giảm đi khi người lao động, cũng là cha mẹ, buộc phải nghỉ làm để trông con.
Theo tính toán của ông Wren-Lewis, nếu các trường học đóng cửa 4 tuần thì ảnh hưởng của GDP sẽ tăng theo cấp số nhân. Và nếu các trường học phải đóng cửa cả quý thì còn nghiêm trọng hơn. Đóng cửa trường học cả nước ảnh hưởng mọi lao động có con chứ không chỉ những người chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Binh sĩ và cảnh sát kiểm tra hành khách rời ga tàu lửa ở Milan, vùng Veneto (Ý). Ảnh: AP
Theo tính toán của giáo sư Wren-Lewis thì với viễn cảnh tất cả các trường học bị đóng cửa 3 tháng và nhiều người phải nghỉ làm dù không bị bệnh, ảnh hưởng lớn nhất với GDP trong một năm ở mức dưới 5%. Đó có thể là mức giảm lớn, nhưng không có lý do gì để không tin kinh tế không thể vực dậy một khi đại dịch qua đi.
Bản chất kinh tế bị ảnh hưởng có nguyên nhân vì đại dịch không giống bản chất các cuộc khủng hoảng kinh tế thông thường khác. Các thông tin về nguyên nhân khiến sản lượng thất thoát luôn rõ ràng, vì thế kinh tế chắc chắn sẽ hồi phục dễ dàng một khi đại dịch không còn.
Đột biến về nhu cầu
Với một đại dịch, rất khó có chuyện tất cả người tiêu dùng không thay đổi thói quen mua sắm. Vì thế nên chuẩn bị trước cho tình huống sẽ có sự đột biến về cầu ở một số lĩnh vực, mặt hàng, cụ thể thế nào còn tùy vào cách ứng xử của người tiêu dùng.
Một bệnh nhân hồi phục xuất viện ở Vũ Hán (Trung Quốc) chắp tay cám ơn các bác sĩ cứu chữa cho mình. Ảnh: SCMP
Nhiều người tiêu dùng ngày nay có xu hướng chuộng tiêu dùng mang yếu tố xã hội, thường xuyên có các hoạt động tiếp xúc với người khác như đi đến câu lạc bộ, nhà hàng, xem các trận thể thao, du lịch. Cũng có một số lĩnh vực, dịch vụ khác cũng dạng tiếp xúc với người khác nhưng quy mô nhỏ hơn, như làm tóc. Với đại dịch, các lĩnh vực này có thể dễ dàng bị ảnh hưởng, thậm chí phải tạm ngưng hoạt động.
Nếu người dân bắt đầu lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh đến mức ngưng các hoạt động, dịch vụ mang tính xã hội trên, ảnh hưởng đến kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn. Một lý do là vì thiệt hại này sẽ lâu dài. Ông Wren-Lewis nói ông nhận ra điều này khi phân tích tỉ lệ mọi người chi tiêu cho tiêu dùng xã hội. Và theo ông, đây là lý do tại sao ảnh hưởng lớn nhất với GDP sẽ xảy ra khi người dân giảm tiêu dùng xã hội để tránh lây nhiễm bệnh.
Doanh nghiệp đóng cửa
Liệu các quy định tiền tệ, chính sách tài khóa có thể chặn được đà sụt giảm tiêu dùng xã hội? Theo ông Wren-Lewis, chỉ có thể ngăn được một phần.
Nhân viên vệ sinh một trạm xe điện ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: GETTY IMAGES
Mối lo quan trọng hơn nữa là điều gì sẽ xảy ra nếu các ngân hàng không đủ năng lực hỗ trợ tài chính cho các công ty gặp khốn khó vì giảm cầu. Một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra là giữa các công ty mang nợ sẵn và các công ty chưa mắc nợ, các ngân hàng có thể sẽ chọn bỏ qua các công ty nợ nần nhiều để dồn tiền cứu các công ty chưa nợ nần, với suy nghĩ công ty đã mang nợ thì có giúp cho vay thêm cũng khó cứu.
Nếu điều này xảy ra, viễn cảnh nhìn thấy được là sẽ có một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa trong mùa đại dịch này.
Một viễn cảnh khác nữa, chúng ta có thể sẽ phải nhìn thấy sự sụp đổ của các thị trường chứng khoán khắp thế giới. Quy mô thị trường chứng khoán sụp đổ ra sao sẽ tỉ lệ thuận với số lượng các doanh nghiệp chịu rủi ro tài chính từ sự giảm tiêu dùng xã hội.
Chính phủ, ngân hàng cần ra tay
Theo ông Wren-Lewis, nếu ông là người điều hành ngân hàng trung ương hay điều hành chính phủ, việc ông làm đầu tiên là nói chuyện với các ngân hàng về việc không để các công ty phải phá sản trong mùa đại dịch.
Quang cảnh trống trải ở sân bay Ben Gurion gần Tel Aviv (Israel). Ảnh: REUTERS
Nhìn nhận một cách thực tế thì kinh tế cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, theo ông. Với nhóm người lao động tự do, không có ai trả lương khi công việc bị ảnh hưởng vì dịch và cũng không có khoản hỗ trợ tài chính nào thì áp lực sẽ rất lớn.
Một lo ngại không hề kém với nỗi lo dịch bệnh lan tràn là việc người dân không đủ tài chính lo được cuộc sống cho mình trong mùa dịch. Vì thế ông Wren-Lewis cho rằng các chính phủ cần nghĩ đến việc hỗ trợ người dân - đặc biệt những người mất việc làm vì dịch mà không có lương.
Quả thật lúc này, các chính phủ không những có rất nhiều thứ phải làm mà còn phải hành động nhanh, theo ông Wren-Lewis.