U ám khu vực đồng euro

Nếu lấy mốc chỉ tiêu thâm hụt ngân sách tối đa 3% quy định trong Hiệp ước Ổn định và tăng trưởng+sáu gói (gồm năm quy định và một chỉ thị) của châu Âu, thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2013 sẽ tăng 4,2% với nợ công tăng 90,5% GDP năm 2012 lên 92,5% GDP.

Theo dự báo, Tây Ban Nha sẽ là nước châu Âu duy nhất còn trong vòng xoáy suy thoái trong năm 2013. Thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha sẽ đạt lần lượt 6,4% và 6,3% GDP năm 2012 và 2013. Hai điểm sáng mới là Ireland và Bồ Đào Nha sẽ thoát khỏi suy thoái vào năm tới.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định khu vực đồng euro đứng trước viễn cảnh khó lường vì hai phe đang chia rẽ với nhau về giải pháp thoát khỏi khủng hoảng. Một bên dẫn đầu là Đức và bên còn lại là Pháp, Ý và Hy Lạp.

Báo Washington Post (Mỹ) ghi nhận trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trương thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt, tân Tổng thống Pháp François Hollande lại cổ súy cho chính sách trái ngược. Tại Ý, Thủ tướng Mario Monti đã kêu gọi châu Âu sửa đổi các quy định khắc nghiệt về siết kỷ luật ngân sách để các nước chi tiêu nhiều hơn đồng thời lập trái phiếu euro để bù đắp thiếu hụt.

Ngoài Pháp và Ý, tại Hy Lạp, các đảng chiếm ghế Quốc hội nhiều hơn hết sau bầu cử ngày 6-5 cũng bất đồng về chính sách thắt lưng buộc bụng. Vì lẽ đó mà trong cuộc đàm phán hôm 11-5, các đảng phái vẫn không thể nhất trí thành lập được chính phủ liên minh mới.

Ngày 13-5, các đảng bảo thủ, xã hội và cánh tả cực đoan sẽ lại tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán. Từ nay đến giữa tuần này, nếu đàm phán vẫn bế tắc, Hy Lạp sẽ phải bầu cử Quốc hội lại lần nữa vào tháng 6. Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đã thẳng thừng cảnh cáo Hy Lạp sẽ phải rời khu vực đồng euro nếu không tôn trọng cam kết cắt giảm ngân sách để khỏi phá sản.

Trong khi đó về phần Đức, từ khi ông François Hollande thắng cử tổng thống Pháp, hầu như ngày nào chính phủ Đức cũng lặp đi lặp lại tuyên bố phải tôn trọng hiệp ước siết chặt kỷ luật ngân sách.

Thủ tướng Angela Merkel khẳng định sẽ không đưa các chương trình kích thích kinh tế lớn dành cho các nước nợ nần ra thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro ngày 23-5 và cũng không có chuyện thương lượng lại hiệp ước siết chặt kỷ luật ngân sách.

Báo Washington Post ngày 10-5 dẫn nhận định của nhà phân tích chính sách cao cấp Sebastian Dullien thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu dự đoán rồi ông François Hollande cũng như bà Angela Merkel sẽ thỏa hiệp bởi thực sự chẳng ai muốn khai tử khu vực đồng euro.

Báo New York Times(Mỹ) dẫn lời nhà phân tích Mujtaba Rahman thuộc Công ty Tư vấn và Nghiên cứu rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) cho rằng cuối cùng cũng có thể bà Angela Merkel sẽ nhượng bộ chút ít nhưng chỉ riêng với vấn đề giải cứu Hy Lạp mà thôi.

TNL - ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm