Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 28-6 cho biết nước này vẫn chưa xác định được tung tích của sinh viên Alek Sigley, 29 tuổi, mất tích tại Triều Tiên nhiều ngày qua, Reuters cho hay.
“Chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin gì thêm. Đây là vấn đề đáng quan ngại. Tôi đang rất lo lắng”, Thủ tướng Morrison nói với kênh Channel 9 của Úc khi đang có mặt ở Osaka, Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Sinh viên Úc Alek Sigley, 29 tuổi. Ảnh: ABC
Gia đình của Sigley ngày 27-6 cho hay họ cũng không hay tin gì về Sigley, người theo học tại ĐH ở Bình Nhưỡng của Triều Tiên kể từ ngày 25-6.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), cô Yuka Morinaga (26 tuổi), người vợ Nhật Bản của Sigley cho hay cô nói chuyện hằng ngày với chồng qua WhatsApp từ nhà mình ở Tokyo, nhưng từ ngày 24-6 đã không hay tin gì về Sigley.
Cô Morinaga là chuyên viên phát triển phần mềm, kết hôn với Sigley trong một đám cưới sang trọng ở Bình Nhưỡng hồi năm ngoái. Cô Morinaga nói với News Corporation rằng cô rất lo lắng cho chồng mình.
“Chúng tôi không biết đã xảy ra chuyện gì. Chúng tôi thậm chí không biết anh ấy có phải bị bắt hay không”, cô Morinaga nói.
Alek Sigley, 29 tuổi, theo học lớp thạc sĩ văn học tại ĐH Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng. Sigley còn điều hành một công ty lữ hành có tên Tongil Tours và tổ chức các chuyến du lịch cho sinh viên nước ngoài. Sigley là người tích cực tham gia mạng xã hội.
Theo đài CNN, Sigley thường viết cho trang web đặc biệt về Triều Tiên NK News kể những trải nghiệm của mình tại Triều Tiên. Trước đó trong năm nay, anh có bài đăng trên báo The Guardian với tiêu đề: “Tôi là người Úc duy nhất sống ở Triều Tiên. Hãy để tôi kể các bạn nghe”.
Cũng theo CNN, Sigley đã chia sẻ dòng Twiter cuối cùng hôm 24-6 bằng hai ngôn ngữ tiếng Hàn và tiếng Anh, cho thấy một bảng hiệu mới phía trên khách sạn Ryugyong, đây được xem là một tòa nhà chọc trời tại Triều Tiên.
Gia đình Sigley cho biết anh lần đầu đến Triều Tiên năm 2012, thông thạo cả tiếng Triều Tiên và tiếng Trung. Sigley đến từ TP Perth, Tây Úc.
Theo hãng tin Reuters, Úc không có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và các hỗ trợ lãnh sự đều nhờ vào Đại sứ quán Thụy Điển nhưng còn tương đối hạn chế.
Cách Triều Tiên đối xử với công dân nước ngoài, hầu hết đến từ Mỹ, lâu nay vẫn là đề tài gây tranh cãi. Một số người đã bị bắt giữ trong nhiều năm.
Cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier hồi năm 2017 sau khi bị bắt 17 tháng ở Triều Tiên đã làm quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng trong thời gian dài, thậm chí hai bên còn đe dọa chiến tranh nhằm vào nhau.
Triều Tiên bắt giam Warmbier năm 2016 và tuyên án 15 năm lao động khổ sai vì trộm một tấm biểu ngữ ở khách sạn. Anh được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê và qua đời không lâu sau đó. Mỹ tháng 9-2017 ban hành lệnh cấm công dân nước mình tới Triều Tiên.
Những căng thẳng này đã được xoa dịu tại cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore hồi tháng 6-2018.