Úc có thể là căn cứ đồn trú của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ The Times (Anh) ngày 21-9 đưa tin các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh sẽ sử dụng Úc làm căn cứ để có thể hiện diện lâu dài hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo kế hoạch đang được các bộ trưởng nước này thảo luận.

Theo các nguồn tin chính phủ cấp cao tại Anh, Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) giữa Mỹ-Anh-Úc có thể dẫn đến việc các tàu ngầm tấn công lớp Astute của Hải quân Hoàng gia Anh được bảo dưỡng trong khu vực.

Từ đó, các tàu này có thể được triển khai lâu hơn thay vì phải quay trở lại căn cứ hải quân Faslane ở Scotland.

Tàu ngầm HMAS Rankin của Hải quân Hoàng gia Úc gần Darwin. Theo hiệp ước AUKUS, các tàu ngầm của Anh có thể được bảo dưỡng ở Úc để hoạt động lâu hơn tại khu vực. Ảnh: YURI RAMSEY /GETTY IMAGES

Theo tờ báo, các kế hoạch sẽ thành hiện thực khi Úc bắt đầu xây dựng hạm đội của nước này gồm ít nhất tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong những năm tới với sự hỗ trợ của Anh và Mỹ.

Nguồn tin nói rằng hiệp ước ba bên AUKUS được công bố hồi tuần trước "mở ra cơ hội" cho Vương quốc Anh, nói thêm: "Bạn sẽ có một căn cứ khác ... nếu bạn muốn”.

Trước đó, hôm 15-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison bất ngờ công bố Hiệp định AUKUS với mục tiêu củng cố hợp tác an ninh - quân sự và ngoại giao, tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo thỏa thuận này, ba bên sẽ chia sẻ các công nghệ quốc phòng tiên tiến và cung cấp cho Úc công nghệ tàu ngầm hạt nhân.

Theo tờ The Guardian, trong các cuộc phỏng vấn riêng rẽ hôm 19-9, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton và Bộ trưởng Tài chính Simon Birmingham của Úc đều xác nhận rằng việc thuê tàu ngầm từ các đồng minh AUKUS có thể là một giải pháp tạm thời cho đến khi Úc nhận được tàu ngầm - có khả năng là vào những năm 2040.

Theo thỏa thuận AUKUS, Úc sẽ có ít nhất tám tàu ngầm hạt nhân được chế tạo theo công nghệ Anh - Mỹ, chiếc đầu tiên dự kiến bàn giao vào năm 2040.

Trong khi đó, hạm đội sáu chiếc tàu ngầm lớp Collins của nước này sẽ "nghỉ hưu" vào năm 2026.

Trả lời câu hỏi của đài Sky News về việc liệu Úc có thuê tàu ngầm hạt nhân trong ngắn hạn để duy trì khả năng răn đe hay không, ông Dutton hôm 19-9 cho biết: "Có. Câu trả lời ngắn gọn là vậy".

Cùng ngày, trao đổi với đài ABC News, ông Birmingham cho biết: "Thỏa thuận cho thuê không nhất thiết sẽ làm tăng số lượng tàu ngầm hay năng lực của các đối tác AUKUS, nhưng sẽ giúp huấn luyện và chia sẻ thông tin".

“Làm như vậy có thể tạo cơ hội cho chúng tôi huấn luyện các thủy thủ, cung cấp các kỹ năng và kiến thức về cách thức chúng tôi hoạt động” - ông Birmingham nói với ABC News.

“[Nó sẽ giúp] cung cấp các nền tảng để chúng tôi nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Perth, điều này sẽ cần thiết cho hoạt động của các tàu ngầm này. Tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy các thỏa thuận cho thuê hoặc các hoạt động chung lớn hơn giữa hải quân các bên trong tương lai, từ đó cho thấy các thủy thủ của chúng ta làm việc chặt chẽ hơn và thực chất, một cách tiềm năng trên các tàu của Anh và Mỹ để có được các kỹ năng, sự huấn luyện và kiến thức đó” – ông Birmingham nói thêm.

Tuy nhiên, ông Birmingham khẳng định vũ khí hạt nhân sẽ không nằm trong phạm vi quyền hạn của Úc.

“Chúng tôi đã rõ ràng, lập trường của Úc liên quan vũ khí hạt nhân không thay đổi và sẽ không thay đổi” - ông Birmingham khẳng định.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (IISS), Úc sẽ đóng tám tàu ngầm tàu ngầm tấn công nhanh chạy năng lượng hạt nhân, do đó, khả năng cao Canberra sẽ thuê các tàu ngầm cùng loại từ Anh hoặc Mỹ để học hỏi kinh nghiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm