Ngày 2-2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Rất nhiều nội dung quan trọng được hướng dẫn tại hội nghị này. Chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung đáng chú ý liên quan đến công tác bầu cử nhiệm kỳ tới.
Nam - sinh từ tháng 5-1961, nữ - sinh từ tháng 5-1966
Về tiêu chuẩn, người ứng cử ĐBQH phải đảm bảo các tiêu chuẩn của ĐBQH được quy định cụ thể tại Điều 22 Luật Tổ chức QH. Người ứng cử ĐB HĐND các cấp phải hội đủ tiêu chuẩn của ĐB HĐND được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về độ tuổi, người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND khóa mới mà đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Nhà nước phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ. Tức nam sinh từ tháng 5-1961, nữ sinh từ tháng 5-1966 trở lại đây.
Về trình độ, tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp (tỉnh, huyện) hoạt động chuyên trách đều phải đảm bảo có trình độ đại học trở lên, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí công tác dự kiến được phân công.
Đặc biệt người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách ở các cơ quan của QH và Ủy ban Thường vụ QH mà đang công tác tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước phải có chức vụ cục trưởng, vụ trưởng hoặc tương đương trở lên. Người ứng cử phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh phải là tỉnh ủy viên (trong hai phó chủ tịch HĐND phải có một người là ủy viên thường vụ tỉnh ủy), giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên. Ứng cử vào trưởng ban HĐND cấp tỉnh phải giữ chức phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên. Tương tự, ứng cử phó chủ tịch HĐND cấp huyện cũng phải là huyện ủy viên, giữ chức trưởng phòng hoặc tương đương trở lên. Trưởng ban HĐND cấp huyện phải giữ chức phó trưởng phòng hoặc tương đương trở lên.
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Thời gian nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là ngày 13-3
Danh sách và số lượng ĐBQH, ĐB HĐND các cấp được bầu ở mỗi tỉnh, thành sẽ được công bố chậm nhất là ngày 2-3, tức 80 ngày trước ngày bầu cử (ngày 22-5-2016).
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba lần lượt diễn ra chậm nhất vào các ngày 17-2, 18-3 và 17-4. Thời gian chót để các ứng viên (kể cả tự ứng cử) nộp hồ sơ là 17 giờ ngày 13-3.
Chậm nhất ngày 27-4, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐB theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước. Danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu chậm nhất vào ngày 12-4.
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ủy ban bầu cử, ban bầu cử ngừng xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử. Kết quả bầu cử được công bố chậm nhất vào ngày 11-6-2016, tức là 20 ngày sau bầu cử.
Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Người ứng cử ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đó. Thời gian vận động tính từ lúc công bố chính thức danh sách ứng cử và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu (ngày 22-5) 24 giờ. Hình thức vận động bầu cử được quy định là gặp gỡ tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử trực tiếp hoặc thông qua truyền thông.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải chọn được người có đức lẫn tài Nêu bật ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp khóa mới, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh cuộc bầu cử phải chọn được người có đức lẫn tài để đại diện cho nhân dân. Trong đó, chữ đức được đặt lên trước chữ tài. “Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại QH và HĐND các cấp” - Tổng Bí thư nói. Tổng Bí thư cũng khẳng định cuộc bầu cử cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trình bày Chỉ thị 51-CT/TW ngày 4-1-2016 của Bộ Chính trị, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng”. Bắt buộc phải kê khai tài sản Người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp cũng bắt buộc phải kê khai tài sản. Trình bày Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 13-1 của Thủ tướng Chính phủ về cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp khóa mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp theo chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Thường vụ QH, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau bầu cử. |