Video: Ủy ban Kiểm tra trung ương nêu nguyên nhân, bài học từ vụ Việt Á |
Liên quan đến vụ kit test Việt Á, tính đến nay, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố khoảng 80 bị can. Trong số này, nhiều người là cựu quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ KH&CN cũng như các cơ quan y tế địa phương.
Mới đây nhất, hai bị can bị khởi tố, bắt tạm giam là ông Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ KH&CN).
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT), từ những hậu quả mà vụ án này để lại, cần nhìn rõ nguyên nhân và bài học rút ra trong công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên.
Hai bị can Chu Ngọc Anh (trái) và Nguyễn Thanh Long. Ảnh: TL |
"Thâu tóm" rồi "thổi giá", thu lời bất chính hàng ngàn tỉ đồng
Một dấu hỏi lớn đặt ra trong vụ án: Vì sao từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia trong lúc rất nguy cấp phòng, chống dịch COVID-19, Công ty Việt Á lại dễ dàng “thâu tóm” rồi “thổi giá”, hợp thức hóa tài sản Nhà nước để lưu hành rộng rãi, thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng?
Theo UBKT Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN vi phạm trong việc nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao đối với bộ kít xét nghiệm COVID-19 cho Học viện Quân y; việc ký, quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng; quản lý, sử dụng, thanh toán kinh phí, đánh giá, nghiệm thu Đề tài; đặc biệt là việc chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Công ty Việt Á không đúng quy định của pháp luật về khoa học công nghệ…
Vi phạm xuất hiện ngay từ khi xác định nhiệm vụ, giao tổ chức thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia của Bộ KH&CN.
Cụ thể, Học viện Quân y có Công văn gửi Bộ KH&CN đặt hàng nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia về nghiên cứu bộ kít xét nghiệm phát hiện COVID-19 trái quy định, lẽ ra công văn đề xuất đặt hàng phải là cấp bộ, ngành ký.
Tiếp đó, Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật lại trực tiếp nhận văn bản đề nghị của Học viện Quân y và tham mưu trình Bộ KH&CN ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ không đúng trình tự, thủ tục.
Khi Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ được thành lập và hoạt động, Hội đồng đã kiến nghị xét giao trực tiếp việc thực hiện Đề tài theo hướng Học viện Quân y là cơ quan chủ trì; Công ty Việt Á là cơ quan phối hợp, nhưng không đưa ra Hội đồng thảo luận, nhằm mục đích để Công ty Việt Á được tham gia sản xuất thử nghiệm bộ kít xét nghiệm.
Chưa hết, hồ sơ Thuyết minh Đề tài do Học viện Quân y lập và gửi trực tiếp cho Bộ KH&CN có nhiều nội dung không đầy đủ, không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ KHCN, Học viện Quân y, Công ty Việt Á. Thực tế, Công ty Việt Á không có chức năng, năng lực sản xuất sinh phẩm, không có năng lực tài chính.
Đặc biệt, mặc dù Đề tài được đầu tư 100% kinh phí ngân sách Nhà nước do Học viện Quân y là cơ quan chủ trì và đang trong quá trình thực hiện, chưa nghiệm thu, chưa bàn giao kết quả nghiên cứu, nhưng Công ty Việt Á đã sử dụng Đề tài nghiên cứu và uy tín của Học viện Quân y để hợp thức hóa các sản phẩm, đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời và chính thức bộ kít xét nghiệm.
Hậu quả, công ty này “thâu tóm” kết quả Đề tài nghiên cứu; chuyển sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sở hữu của công ty, tiến hành thương mại hóa sản phẩm, cung cấp ra thị trường thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng.
Bộ KH&CN còn tổ chức họp báo và đăng trên Cổng thông tin điện tử nội dung “Bộ kít xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận”, tạo điều kiện để Công ty Việt Á lợi dụng truyền thông đánh bóng uy tín, quảng bá thương hiệu. Song trên thực tế, Tổ chức Y tế thế giới không công nhận bộ kít xét nghiệm này.
Phan Quốc Việt - cựu tổng giám đốc Công ty Việt Á (trái) và các bị can đã bị khởi tố. Ảnh: CA |
Tài sản của nhà nước nhưng lại cấp phép cho tư nhân
Cùng với Bộ KH&CN, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Y tế cũng buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra, để Bộ Y tế, một số đơn vị thuộc Bộ và cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Y tế trong việc cấp số đăng ký lưu hành; việc giám sát, đánh giá, kiểm tra, thẩm định quy trình kiểm định chất lượng; hiệp thương giá và kiểm tra việc hiệp thương giá, mua sắm bộ kít xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á sản xuất.
Điều này được thể hiện qua việc Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xác nhận chất lượng bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phát triển, từ đó kéo theo nhiều vi phạm và để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành bộ kít xét nghiệm COVID-19 được mang tên Công ty Việt Á sản xuất.
Cụ thể, ngày 2-3-2020, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, gửi email cá nhân cho Bộ KH&CN (không có chữ ký, không đóng dấu) xác nhận các bộ sinh phẩm của Học viện Quân y đạt tiêu chuẩn độ nhạy, độ đặc hiệu, tính ổn định trong thử nghiệm phát hiện Sars-Co-V2. Đây chỉ là tài liệu cá nhân trao đổi với cá nhân, không có giá trị pháp lý, không phải tài liệu của Viện VSDT Trung ương gửi Bộ KHCN. Trên cơ sở này Bộ KH&CN thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Đề tài giai đoạn 1 trái quy định.
Tiếp đó, ông Đặng Đức Anh ký công văn gửi Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế kèm theo giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế, trong đó kết luận bộ kít xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất đạt tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Trên cơ sở này, Bộ Y tế ban hành quyết định cấp số đăng ký lưu hành đối với bộ kít xét nghiệm có giá trị 5 năm trái thẩm quyền. Việc cấp số đăng ký cho Công ty Việt Á là không đúng đối tượng, vì đây là tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH&CN là đại diện chủ sở hữu, Bộ KH&CN chưa quyết định xử lý bàn giao cho Công ty Việt Á…
Quá trình vụ án xảy ra, Bộ Y tế đã ban hành sáu văn bản, trong đó có công bố giá bán các sinh phẩm, trang thiết bị y tế của doanh nghiệp (bộ xét nghiệm phát hiện vi rút Sars-CoV-2 của Công ty Việt Á, được công bố với giá 470.000 đồng/test) mà không kiểm tra cơ cấu hình thành giá, trái quy định pháp luật.
Thông qua đó, Bộ Y tế đã hợp thức hóa giá bán các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút Sars-CoV-2 cho Công ty Việt Á. Từ đó các Sở Y tế và các bệnh viện, Viện nghiên cứu sử dụng các thông báo nêu trên làm cơ sở xác định giá gói thầu mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút Sars-CoV-2 (chủ yếu thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn) vì cho rằng đây là giá chuẩn do Bộ Y tế công bố. Dẫn tới nhiều địa phương vi phạm trong việc mua bộ kít xét nghiệm của Công ty Việt Á, gây thiệt hại rất lớn đến tiền, tài sản của Nhà nước và các cơ sở y tế.
3 vấn đề lớn rút ra
Qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên, tổ chức đảng và một số đơn vị liên quan tới những vi phạm xảy ra tại Công ty Việt Á, có thể thấy một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Ban cán sự Đảng của Bộ KH&CN và Bộ Y tế đều buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, vi phạm Quy chế làm việc. Đây là các nguyên tắc cơ bản của Đảng ta, có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động của Đảng với tính chất là một đảng cách mạng và khoa học. Việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng với tư cách là một lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội thực hiện các mục tiêu cao đẹp của Đảng đã đề ra.
Thứ hai, trách nhiệm và vai trò nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị vi phạm trên đều chưa được thực hiện tốt. Không chỉ vậy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên còn vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là vấn đề khi các đồng chí được giao chức trách, nhiệm vụ đứng đầu các đơn vị cần phải nhận thức sâu sắc và nghiêm túc thực hiện.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc chức năng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình đang thực hiện, gắn bó mật thiết với nhân dân và lấy mục đích vì nhân dân phục vụ; đồng thời phải bảo đảm các hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Bất kỳ sự vi phạm nào cũng có thể không chỉ gây ra những hậu quả cho bản thân đảng viên đó mà còn cho tổ chức đảng và toàn Đảng nói chung. Do đó, mỗi đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nắm bắt đầy đủ nội dung của các nguyên tắc và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, dù ở vai trò, vị trí nào.
Thứ ba, công tác tham mưu của tổ chức đảng và đảng viên trực thuộc Bộ còn yếu, thậm chí còn bỏ qua các quy định, quy trình trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên một số cán bộ, đảng viên suy thoái đã lợi dụng sự buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ, có biểu hiện “liên minh lợi ích nhóm”, dẫn tới hàng loạt vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng.
Tinh thần tự phê bình và phê bình đối với đảng viên trong các tổ chức đảng có đảng viên vi phạm còn yếu, nên vô tình đã như “đồng lõa” với vi phạm và để vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng là bài học lớn cho các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, phải bảo đảm và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.
Các tổ chức đảng phải giữ vững và phải thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, thực hiện vai trò nêu gương người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa (XI, XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để phòng, chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên.