Lại thêm một lần ngắt quãng nữa tại V-League, điều mà chính các CLB than thở rằng giải quốc gia nhưng cứ “nấc cụt” làm khổ các CLB tốn tiền nuôi quân.
Những lần trước V-League ngắt quãng để các cầu thủ U-20 và U-22 tập trung đá giải nhưng nhìn vào những gương mặt trên hai đội tuyển trẻ thì có bao nhiêu cầu thủ đá ở V-League?
Nghĩ nhiều đến quyền lợi của các CLB thì các CLB sẽ đóng góp nhiều cầu thủ tốt cho quốc gia. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Các HLV than thở V-League qua những lần hưu chiến liên tục chưa chắc đã giúp các đội trẻ Việt Nam tốt hơn nhưng thiệt hại của các CLB thì rất lớn và rất ngán. Bản thân các cầu thủ phải tập chờ cũng thấy mệt mỏi, nhất là sau vài vòng đấu vừa bắt nhịp thì giải lại ngừng.
Nhìn lại hai đội vào chung kết bóng đá nam SEA Games 32 là Thái Lan và Indonesia thì hai giải vô địch quốc gia của hai đội này là Thai-League và Liga Indonesia bóng vẫn lăn đều chứ không ngắt lịch để chờ các cầu thủ U-22 tập trung.
V-League đã đến lúc phải theo lịch đấu phù hợp với thế giới và cũng chỉ nên gián đoạn vào những ngày FIFA. Điều mà Thái Lan đã theo lịch đấu phù hợp từ lâu và Indonesia, Malaysia đã bắt đầu hướng theo. Nói về điều này, chuyên gia Đoàn Minh Xương từng lên tiếng: “Kiểu gì thì lịch đấu của Việt Nam, tức V-League, cũng phải theo xu hướng của thế giới bởi chúng ta không thể một mình đi một kênh, một kiểu nói là phù hợp với mình nhưng hại các CLB, hại khi nhập với hệ thống thi đấu chung. Đó là chưa kể còn làm thiệt hại lớn cho các CLB về tiền bạc, kinh phí…”. Bộ máy VFF, VPF không thiếu những chuyên gia, những nhà làm bóng đá giỏi và việc nghiên cứu để có lịch đấu hợp lý nhưng vì sao cứ phải “làm khó” và “làm khổ” các CLB.
Nguồn cầu thủ từ các CLB đóng góp nên hãy nghĩ đến các CLB nhiều hơn để rồi từ các CLB họ đóng góp cầu thủ cho quốc gia tốt hơn.