Chính phủ Hàn Quốc đang lắp đặt lại loa tuyên truyền dọc biên giới liên Triều để đáp trả lại hành động tương tự từ phía Triều Tiên. Trước đây, hệ thống loa tuyên tuyền của hai nước từng được dỡ bỏ theo một thỏa thuận năm 2018, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết hôm 23-6.
Đây được cho là động thái mới nhất của Hàn Quốc đáp lại Triều Tiên sau những diễn biến căng thẳng trong thời gian vừa qua.
Trước đó, Triều Tiên đã cho nổ một văn phòng liên lạc chung ở biên giới hai nước sau khi tuyên bố chấm dứt đối thoại với Hàn Quốc, đồng thời đe dọa sẽ có hành động quân sự đáp trả Seoul về việc rải truyền đơn chống phá Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc tháo dỡ các loa tuyên truyền tại DMZ vào năm 2018. Ảnh: AP
"Chúng tôi đã thấy quân đội Triều Tiên đã đặt loa phóng thanh gần khu phi quân sự (DMZ). Các hệ thống như vậy đã bị gỡ xuống sau khi hai miền ký một thỏa thuận vào năm 2018 để chấm dứt tất cả các hành vi thù địch" - quan chức quân đội Hàn Quốc nói.
Ông này cũng cho biết Hàn Quốc đang xem xét khả năng bố trí trở lại loa tuyên truyền và sẽ phát sóng đáp trả khi thấy cần thiết.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận các động thái của Triều Tiên. Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo, quan chức này nói rằng Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá nếu tiếp tục bất chấp các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hòa bình hai nước.
Rải truyền đơn là một công cụ chiến tranh tâm lý phổ biến kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Hai miền đã nhiều lần đồng ý giảm hoạt động tuyên truyền xuyên biên giới, bao gồm việc sử dụng loa phóng thanh.
Thỏa thuận gần đây nhất nhằm ngăn đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên đạt được năm 2018 và đây được xem là bước đi hướng tới quan hệ tốt hơn.
Văn phòng liên lạc liên Triều có thể chưa bị phá hủy hoàn toàn
Hình ảnh từ vệ tinh chụp địa điểm đặt văn phòng liên lạc liên Triều ở thành phố Kaesong, biên giới Triều Tiên vào hôm 22-6 cho thấy tòa nhà vẫn đứng vững dù đã bị hư hại nặng.
Các nhà phân tích tại 38 North có trụ sở tại Mỹ, nơi chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, tuần trước nói rằng "đây không phải một vụ nổ có kiểm soát vì tòa nhà không bị san bằng và gây thiệt hại đáng kể đối với các tòa nhà lân cận".
Triều Tiên tuần trước đã công bố những bức ảnh về đống đổ nát tại hiện trường, cho thấy tòa nhà dường như bị phá hủy hoàn toàn sau khi bị giật sập bằng thuốc nổ. Đông thái trên diễn ra sau khi Triều Tiên nhiều lần chỉ trích Hàn Quốc không ngăn chặn hoạt động rải truyền đơn vào nước này.
Triều Tiên cũng nói rằng sẽ tái triển khai quân tại khu vực biên giới và nối lại các hoạt động quân sự gần khu vực.
Một số nhóm do người đào tẩu dẫn đầu thường xuyên gửi truyền đơn, thực phẩm, tờ bạc 1 USD, radio mini và USB có chứa các bộ phim truyền hình và tin tức của Hàn Quốc, thường bằng cách thả bóng bay hoặc chai lọ trên sông gần khu vực giới tuyến phân chia hai miền.
Hình ảnh do Triều Tiên công bố cho thấy văn phòng liên lạc liên Triều "bị giật sập". Ảnh: KCNA
Chính phủ Hàn Quốc đã theo đuổi hành động pháp lý để ngăn chặn các hoạt động như vậy với lý do lo ngại về an toàn cho cư dân ở các thị trấn biên giới. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu động thái này có vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận của đất nước hay không.
Đáp trả lại hành động rãi truyền đơn, Triều Tiên cũng đã chuẩn bị khoảng 12 triệu truyền đơn để gửi lại Hàn Quốc. Hơn 3.000 bóng bay "có khả năng phát tán truyền đơn sâu bên trong lãnh thổ Hàn Quốc" cùng các phương tiện khác cũng đã được chuẩn bị.