Phiên giao dịch 12-10, giá than (được mệnh danh là vàng đen) chạm mốc 244 USD/tấn, tăng 12% so với ngày hôm qua và tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ của năm 2020.
Hãng tin CNBC mới đây bình luận, 2 gã khổng lồ châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đang vật lộn với cuộc khủng hoảng thiếu than.
Theo ghi nhận của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu than toàn cầu trong 9 tháng năm 2021 mặc dù chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ, nhưng giá than trung bình thế giới đã tăng mạnh 110% so với cùng kỳ và 75% so với đầu năm, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử.
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI nhận định, có 3 nhân tố dẫn đến cơn sốt giá than, gồm: Căng thẳng Trung Quốc – Úc và các lệnh hạn chế nhập khẩu làm gián đoạn thị trường thương mại than.
Theo đó, tháng 6-2020, Trung Quốc thực hiện lệnh cấm nhập khẩu than Úc. Trong khi than Úc chiếm tới 62% giá trị nhập khẩu than của Trung Quốc năm 2019.
Điều này khiến sản lượng nhập khẩu than từ Úc giảm gần về mức 0 kể từ tháng 10-2020, và giá than tại các cảng lớn như Đại Liên, Tần Hoàng Đảo tăng mạnh, ảnh hưởng tới giá tham chiếu ở thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, lệnh cấm nhập khẩu than Úc cũng khiến nhu cầu và giá than tại những đối tác còn lại của Trung Quốc như Indonesia, Nga, Mông Cổ tăng đột biến, dẫn tới cơn sốt giá than trên diện rộng.
Thứ 2 là nguồn cung than và các nhiên liệu đốt khác hồi phục chậm do dịch COVID-19 vì hoạt động khai thác than tại các nước bị ảnh hưởng đáng kể trong thời điểm dịch bệnh bùng phát
Cuối cùng là Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát ô nhiễm ngành than. Trong năm 2020 và 2021, Trung Quốc tái khởi động các chính sách cắt giảm công suất than bằng cách hợp nhất nhiều mỏ than và cắt giảm những mỏ than nhỏ có công suất dưới 600 nghìn tấn/năm ở tất cả các tỉnh.
SSI đánh giá, giá than ở Việt Nam không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ 2 đơn vị được phép khai thác và bán than trong nước là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc.
Giá than trong nước thường chỉ điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và thường chỉ diễn ra 3 - 4 năm/lần.
Trong năm 2021, giá than trong nước chưa điều chỉnh nhiều, mới chỉ có giá than cho sản xuất xi măng điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than cho nhiệt điện vẫn giữ nguyên để giảm áp lực cho EVN khi chính phủ đang yêu cầu hỗ trợ giá điện trong thời điểm dịch bệnh.
"Với giá than tăng mạnh, các ngành công nghiệp ở nước ta sẽ bị ảnh hưởng chính bao gồm nhiệt điện, xi măng, luyện kim và phân bón. Bởi vì giá than thế giới tăng đột biến so với than trong nước, các ngành có tỷ lệ than nhập trên tổng than sử dụng trong ngành cao như xi măng (66%), sắt thép (88%), phân bón (74%) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Còn nhiệt điện ít bị ảnh hưởng hơn do tỉ lệ than nhập mới chỉ chiếm 24% tổng than sử dụng và chính phủ cũng ưu tiên nguồn than trong nước cho nhiệt điện" - SSI nhận định.