Vì sao tình báo đồng minh sẽ vẫn tin ông Trump?

Dù không biết chính xác về thông tin tình báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ với phía Nga nhưng cũng có thể đoán được độ nhạy cảm cao của nó, khi Mỹ không chia sẻ nó với cả các đồng minh thân cận. Các cơ quan truyền thông đã được yêu cầu không công bố chi tiết. Ghi âm cuộc gặp giữa ông Trump với Ngoại trưởng Nga và đại sứ Nga tại Mỹ nhanh chóng bị kiểm duyệt sau khi thông tin lộ ra.

Thông tin tình báo này do Israel cung cấp, và dĩ nhiên Israel không mong muốn Mỹ chia sẻ với nước khác mà không hỏi qua ý mình, đặc biệt với Nga. Theo CNN, có hai lý do khiến các quan chức an ninh quốc gia Israel phải lo ngại.

Một là tương lai nguồn tin của mình. Dù đó là nguồn tin con người bên trong hàng ngũ IS hay là cách thức can thiệp hệ thống viễn thông của tổ chức này để lấy thông tin. Nếu phía Nga nghĩ rằng nguồn tin này đe dọa đến sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria, Nga sẽ ra tay ngăn chặn. Đáng lo nữa là Nga có thể chuyển thông tin tình báo này cho các đồng minh Syria và Iran – vốn đều đối đầu với Israel. Phía Mỹ không lạ với điều này, trước đây Mỹ từng có lúc cáo buộc Israel chuyển bí mật tình báo của Mỹ cho phía Nga.

Điều lo ngại thứ hai là về ông Trump. Với tính cách bốc đồng, nhận biết kém thấu đáo về độ nhạy cảm của thông tin thì đây có thể chưa phải là lần cuối cùng của ông Trump. Israel là đối tác thân thiết của Mỹ và cùng hợp tác trong nhiều chiến dịch, như tấn công mạng nhắm vào chương trình hạt nhân Iran, ám sát một lãnh đạo nhóm vũ trang Hezbollah ở Syria. Các thông tin của các chiến dịch này thuộc hàng bí mật. Nếu ông Trump để lộ thì sẽ là rủi ro lớn với Israel.

Không chỉ Israel, nhiều đối tác tình báo khác của Mỹ cũng nghĩ đến rủi ro này. Một quan chức tình báo cấp cao châu Âu nói với AP rằng có thể nước mình sẽ chấm dứt chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ, vì “có thể gây rủi ro với các nguồn tin”.

Chưa xác định ông Trump làm vậy là vì bất cẩn hay vì có quan hệ với Nga. Nếu có chứng cứ cho thấy ông Trump làm thế vì có quan hệ với Nga thì hàng loạt đồng minh Mỹ ở châu Âu và láng giềng với Nga như Ukraine, Ba Lan, các nước Baltic sẽ đặc biệt lo ngại về an ninh quốc gia mình. Dù là nước nhỏ nhưng các nước này có năng lực tình báo rất tốt, đặc biệt nhắm vào Nga. Tình báo các nước này là đơn vị đầu tiên phát hiện được các mối liên hệ giữa các thành viên đội tranh cử ông Trump và các nhân viên tình báo Nga năm ngoái.

Tổng thống Mỹ Trump (giữa) trong buổi tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak ngày 10-5 tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Như vậy, liệu hành động của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác tình báo giữa Mỹ và các nước tới đâu?

Chắn chắn các đồng minh, đối tác sẽ cẩn trọng hơn trong chia sẻ tình báo với Mỹ. Có thể các nước sẽ cân nhắc giữ lại các tin tình báo nhạy cảm hàng đầu chứ không chia sẻ vô tư với Mỹ như trước. Bên cạnh đó các nước cũng sẽ nỗ lực hơn trong che giấu nguồn tin tình báo. Tuy nhiên, theo CNN, sẽ không có chuyện các nước cắt đứt hợp tác tình báo, chấm dứt chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ vì sự cố này.

Có thể biết chắc điều này qua việc Israel nhanh chóng lên tiếng giảm nhẹ chuyện này ngay sau khi có thông tin. Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer nhấn mạnh “Israel hoàn toàn có niềm tin vào quan hệ chia sẻ tình báo với Mỹ”. Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman ca ngợi sự hợp tác “sâu rộng, ý nghĩ, chưa có tiền lệ” với tình báo Mỹ.

Một lý do đơn giản là vì số lượng thông tin tình báo các nước đối tác nhận từ Mỹ nhiều hơn rất nhiều so với lượng cung cấp cho Mỹ. Điều này đặc biệt đúng với liên minh tình báo Five Eyes giữa 5 nước Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand.

Thời gian 2009-2013, 60% thông tin tình báo giá trị cao của Cơ quan An ninh Quốc gia Anh là do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ cung cấp. Ngoài ra Mỹ còn tài trợ cho tình báo Anh số tiền trị giá 100 triệu Bảng Anh.

Ngoài liên minh này, hai nước Jordan và Pakistan mỗi năm đều nhận hơn 1 triệu USD từ Mỹ, theo tài liệu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden ăn cắp và công khai, chưa kể còn nhận một lượng lớn thông tin và công nghệ tình báo từ Mỹ.

Ngoài ra, sự thực là các nguồn tin con người có giá trị luôn được bảo vệ rất chặt chẽ, thậm chí giữa các đồng minh thân thiết cũng không tiết lộ. Thập kỷ 1970, Anh từng tuyển mộ đại tá Oleg Gordievsky của Cơ quan An ninh Quốc gia Nga làm nguồn tin cho mình. Thời gian này, Anh có chia sẻ thông tin về Nga mà đại tá Gordievsky cung cấp cho CIA của Mỹ, nhưng giấu kín về nguồn tin này đến tận một thập kỷ sau khi ông Gordievsky rời khỏi Nga.

Các cơ quan tình báo cũng có thể không nói thật để che giấu nguồn tin của mình. Tuy nhiên điều này cũng có tác dụng phụ, có thể ảnh hưởng tới đánh giá tầm quan trọng của thông tin từ những người có quyền hoạch định chính sách, trong đó có cả tổng thống. Không biết điều này có đúng trong trường hợp ông Trump hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới