Chỉ 19 giờ sau khi xảy ra vụ rơi máy bay thảm khốc ở Ethiopia khiến 159 người chết vào ngày 10-3, Trung Quốc nhanh chóng ra thông báo “đắp chiếu” máy bay Boeing 737 MAX 8, viện dẫn các lo ngại về độ an toàn. Sau đó, dòng máy bay này hầu như đã bị cấm ở tất cả các nước, kể cả Mỹ.
Muốn bán máy bay nội địa
Tờ South China Morning Post cho hay, theo giới phân tích Trung Quốc, quyết định ngay tức thì này của Bắc Kinh có thể nhằm nâng cao danh tiếng và thúc đẩy tính cạnh tranh cho mẫu máy bay tuyến đường dài nội địa đầu tiên của nước này là Comac C919.
Ông Lu Zhou, nhà phân tích tại công ty môi giới Dongxing Securities chuyên theo dõi ngành công nghiệp máy bay và quốc phòng của Trung Quốc, cho biết quyết định đi trước này của Trung Quốc “chắc chắn sẽ nâng cao tầm ảnh hưởng và tiếng nói của Trung Quốc về sự an toàn của máy bay”.
Theo ông Lu, Bắc Kinh đã cho thế giới thấy họ hoàn toàn không tha thứ cho bất cứ rủi ro nào về tính an toàn của máy bay bằng cách là quốc gia đầu tiên tuyên bố ngưng vận hành Boeing 737 MAX 8. Điều này có thể giúp Trung Quốc bán được C919.
Máy bay Boeing 737 MAX 8. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác có ý kiến ngược lại. Như ông Brock Silvers, giám đốc điều hành hãng Kaiyuan Capital, cho biết: “Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ với các sự cố liên quan tới Boeing 737 MAX 8, nhưng khả năng Boeing ‘sa cơ’ vẫn không có nhiều cơ hội cho ngành hàng không non trẻ của Trung Quốc”.
“Boeing 737 là con ngựa thồ công nghiệp đáng tin cậy trong hàng thập niên qua, trong khi những chiếc máy bay chở khách Comac của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu bay gần đây và không tạo được sự tin cậy. Phản ứng của Trung Quốc có thể là nỗ lực thúc đẩy tính cạnh tranh cho máy bay nội địa, nhưng tác động sẽ không bền lâu”, ông Silvers nhận xét.
Ông Kelin Lau, chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Daiwa Capital Markets (Hong Kong) cho rằng còn quá sớm để Trung Quốc có thể nhìn thấy bất kỳ lợi ích hữu hình nào khi máy bay C919 phải vài năm nữa mới có thể đặt ra mối đe dọa đáng kể cho Boeing.
Và cũng theo ông Lau, thiệt hại về danh tiếng đối với nhà sản xuất máy bay của Mỹ do các vấn đề liên quan tới dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 có thể sẽ tồn tại trong thời gian ngắn.
Chiếc Boeing 737 Max 8 đáp xuống Chu San, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc hồi tháng 12-2018. Ảnh: TÂN HOA XÃ
C919 là máy bay chở khách cỡ lớn đầu tiên do Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) sản xuất, nhằm cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus A320.
C919 cất cánh lần đầu vào tháng 5-2017 nhưng dự kiến phải đến năm 2021 mới đi vào hoạt động. Tính đến tháng 6-2018, COMAC đã nhận hơn 800 đơn đặt hàng mua C919, trong đó hơn 95% đơn đặt hàng chủ yếu từ các hãng bay và công ty cho thuê trong nước.
Động cơ chính trị?
Theo South China Morning Post, động thái của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ bởi nước này thường nghe theo các khuyến nghị từ Cơ quan Hàng không liên bang (FAA) của Mỹ. Quyết định đắp chiếu Boeing 737 MAX 8 của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang làm gia tăng áp lực lên Boeing và quan chức Mỹ, trong khi cuộc điều tra vụ tai nạn ở Ethiopia chưa có kết luận cuối cùng.
Theo giới chức Trung Quốc, động thái nêu trên được thực hiện sau nhiều tháng Bắc Kinh chỉ nhận được lời giải thích không rõ ràng từ giới chức Mỹ và Boeing về những nghi vấn an toàn đối với dòng Boeing 737 MAX 8 sau vụ tai nạn thảm khốc tại Indonesia vào tháng 10-2018, khiến 189 người thiệt mạng.
Ông Andrew Herdman, Tổng Giám đốc Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á Thái Bình Dương cho rằng: “Sự khác biệt về quan điểm sẽ khiến FAA chịu thêm áp lực phải trình bày rõ lập luận của mình và đề xuất cách xử lý”.
Máy bay chở khách nội địa đầu tiên của Trung Quốc Comac C919. Ảnh: Aviation Week
Hiện các nhà điều tra vẫn chưa kết luận có mối liên hệ giữa vụ tai nạn máy bay của hãng Ethiopian Airlines (Ethiopia) và vụ tai nạn máy bay của hãng Lion Air (Indonesia) hay không. Do đó, theo một số chuyên gia, quyết định của Trung Quốc ngay lập tức cấm bay với phi đội Boeing 737 MAX 8 dường như đi chệch với thông lệ.
Ông Neil Hansford, nhà tư vấn hàng không tại tổ chức Giải pháp chiếc lược hàng không (Strategic Aviation Solutions) cho rằng quyết định của Bắc Kinh một phần mang động cơ chính trị bởi căng thẳng thương mại giữa nước này với Mỹ.
Theo ông Hansford, chính phủ Trung Quốc có đủ lý do để đi đầu trong việc cấm Boeing 737 MAX 8. FAA đã thể hiện sự miễn cưỡng khi phải áp dụng biện pháp cứng rắn đối với một nhà sản xuất lớn của Mỹ và việc Trung Quốc đưa ra biện pháp mạnh trước FAA là điều dễ hiểu, ông Hansford nói. “Nếu chiếc máy bay gặp nạn là máy bay của Airbus (thuộc châu Âu) chẳng hạn, FAA sẽ chẳng ngần ngại đưa ra phản ứng mạnh”, ông cho hay.