(Nguồn: Telegraph)
Theo Telegraph, đoạn video do người dùng YouTube có tên Michael Johnston tải lên, mang tựa đề “Hillary Clinton nói dối suốt 13 phút,” có khả năng sẽ gây hại cho uy tín của chính khách này.
Đoạn video ghi lại việc ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton thay đổi quan điểm của bà trên nhiều vấn đề chủ chốt như hôn nhân đồng giới, chăm sóc y tế miễn phí, mối quan hệ với các ngân hàng lớn và chính sách đối ngoại đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, Johnston nêu rõ rằng video của anh, đã được xem hơn 7,5 triệu lần, không nhằm ủng hộ đối thủ của bà Hillary là ông Donald Trump. Anh cũng cho biết đang làm một đoạn video tương tự về ông Trump.
Đoạn video bắt đầu từ chủ đề hôn nhân đồng giới, cho thấy bà Hillary không công khai ủng hộ vấn đề này cho tới năm 2013. Trước đó, vào năm 2004, bà nói rằng hôn nhân là “sợi dây kết nối linh thiêng giữa một người đàn ông và một người đàn bà.” Một thập kỷ sau, bà lại nói: “Tôi ủng hộ hôn nhân đồng giới trên khía cạnh cá nhân và chính sách.”
Theo Politifact, Bà Clinton cũng tuyên bố đã hạ cánh xuống Bosnia trong những năm 1990 và bị đe dọa bởi các tay súng bắn tỉa, dù thực tế không phải vậy và bà cũng đã thừa nhận là mình “hớ miệng”.
Bà Hillary Clinton. Nguồn: Telegraph
Politifact cho biết bà đã đưa ra các thông điệp lẫn lộn cho Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đổ lỗi cho người mua nhà, thay vì các ngân hàng, trong cuộc khủng hoảng nhà đất diễn ra năm 2007.
Có một vấn đề vẫn đeo bám bà Hillary trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2016 là sự kiện dùng hòm thư điện tử cá nhân để xử lý việc công. Điều trần trước Ủy ban An ninh Mỹ, bà tuyên bố đã có 60.000 lá thư điện tử được gửi đi từ hòm thư cá nhân và khoảng nửa trong số đó liên quan tới công việc.
Tuy nhiên, cơ quan thanh tra thấy rằng con số thực có thể cao hơn thế, bởi chỉ có chưa đầy 1% thư điện tử liên quan tới công việc của bà Clinton nằm trong hệ thống thư công.
Trong lĩnh vực y tế, bà Hillary cũng không ngoại lệ. Trong video năm 2008, khi bà tranh cử chiếc ghế tổng thống với thượng nghị sĩ bang Illinois Barack Obama (hiện là Tổng thống Mỹ), bà nói rằng thấy xấu hổ khi ông Obama công kích đề xuất về chăm sóc sức khỏe toàn dân. Nhưng đến năm 2016, cũng trong chiến dịch tranh cử tổng thống, bà Clinton lại công kích đề xuất chăm sóc sức khỏe toàn dân của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Bernie Sanders, bảo vệ quan điểm duy trì bảo hiểm tư nhân và luật Obamacare.