Video: ĐSQ Mỹ ở Iraq vẫn hỗn loạn khi người biểu tình rời đi

Sáng 2-1, những người ủng hộ nhóm dân quân Kata'ib Hezbollah đã rời khỏi đại sứ quán Mỹ ở Baghdad sau hai ngày đụng độ với lực lượng an ninh để phản đối các vụ không kích ngày 29-12 của quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, khung cảnh trước đại sứ quán vẫn hỗn loạn. Khói vẫn còn bốc lên từ những khu vực bị đốt phá. Cờ của lực lượng biểu tình và những dòng khẩu hiệu trên tường vẫn còn chưa được dọn dẹp.

Khung cảnh trước Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vẫn còn hỗn loạn sau khi người biểu tình rời đi. Nguồn: RT

Nhóm biểu tình đã rút đi sau những lời kêu gọi của chính quyền Baghdad và các lãnh đạo cấp cao của lực lượng dân quân Kata'ib Hezbollah, kết thúc hai ngày biểu tình và đập phá cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ. 

Một nhân viên an ninh đứng cạnh chốt an ninh, trước đó bị đốt cháy trước Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Ảnh: AP

Từ trưa 31-12, những người ủng hộ nhóm dân quân đã kéo đến tụ tập ở Đại sứ quán Mỹ, phá cửa chính và xông vào bên trong. Những người này còn vẽ trên tường những khẩu hiệu ủng hộ nhóm Kata'ib Hezbollah và đốt xe của lực lượng an ninh.

Khói vẫn còn bốc lên ở một số khu vực ở Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad sau khi người biểu tình rời đi. Ảnh: AP

Các quan chức Mỹ tuyên bố không có thương tích nào ở cả hai bên - người biểu tình và lực lượng an ninh - và không có nhân viên Mỹ nào phải sơ tán ra khỏi đại sứ quán.

Người biểu tình thu dọn lều trại trước khi rời khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Ảnh: AP

Cuộc tấn công đã buộc Mỹ phải gửi thêm 750 binh lính đến Trung Đông để đối phó với tình hình ở Baghdad. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng hoãn chuyến thăm đến nước Đông Âu và Trung Á để tập trung giải quyết vấn đề này.

Các lá cờ do lực lượng biểu tình cắm vẫn chưa được gỡ khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Ảnh: AP

Trước đó, ngày 29-12, Mỹ đã tổ chức các cuộc không kích vào năm căn cứ của lực lượng Kata'ib Hezbollah ở Iraq. Washington coi đây là "hành động phòng thủ" trước cuộc tấn công của nhóm này vào một căn cứ quân sự ở thành phố Kirkuk làm một nhà thầu Mỹ thiệt mạng.

Không chỉ khơi mào cuộc biểu tình ở Baghdad, các cuộc không kích của Mỹ còn vấp phải sự phản đối của cả Iraq và Iran - nước hậu thuẫn cho nhóm Kata'ib Hezbollah.

Chính phủ Iraq cũng kịch liệt lên án vụ không kích của Mỹ, cho rằng đó là hành vi vi phạm chủ quyền của quốc gia này.

Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA ngày 30-12 dẫn tuyên bố của các quan chức ngoại giao cấp cao của Tehran cáo buộc Mỹ đã vi phạm chủ quyền và can thiệp vào công việc nội bộ của Iraq. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm