Hơn 7 giờ sáng, tiệm rửa xe ở số 98 Lê Độ của anh Phạm Phú Tiếng (44 tuổi, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã rộn rã tiếng nói cười.
Cơm miễn phí cho người nghèo đứt bữa
Trong gian bếp nhỏ, chừng năm, sáu người mải mê sơ chế nguyên liệu để nấu khoảng 500 suất cơm miễn phí cho người lao động nghèo. Thực đơn hôm nay gồm chả xốt cà chua, nui xào, rau muống xào tỏi, bí đỏ luộc và canh rau ngót. Mỗi người một việc, ai nấy đều khẩn trương hoàn tất phần việc của mình để kịp giờ phát cơm.
Bà Phạm Thị Cúc (74 tuổi, trú quận Hải Châu) cho biết trước đây bà chỉ phụ giúp nấu cơm trưa miễn phí cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong bệnh viện (BV).
Từ khi Đà Nẵng bùng phát đợt dịch thứ tư thì bà chuyển sang phụ nấu “bếp cơm 0 đồng” nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động khó khăn. Để có những suất cơm ngon, đảm bảo dinh dưỡng, ngoài đầu bếp chính còn có nhiều tình nguyện viên đến tham gia hỗ trợ. Mỗi người một công việc nhưng ở họ có chung một tấm lòng yêu thương, mong muốn giúp đỡ người khó khăn.
Là đầu bếp chính, chị Nguyễn Thị Thanh Hà cho hay mỗi ngày làm hơn 500 hộp cơm chay, riêng mùng 1 và ngày rằm số lượng lên đến 1.000 suất.
“Thực đơn được anh Tiếng đi chợ và mua đồ tươi hằng ngày, buổi sáng 7 giờ mọi người đến là mọi thứ đều có sẵn. Dịch bệnh bùng phát khiến nhiều lao động tự do, lao động nghèo phải lo chạy ăn từng bữa. Mình hy vọng những suất cơm này sẽ giúp bà con cảm thấy ấm lòng hơn trong thời điểm khó khăn này” - chị Hà nói.
Anh Phạm Phú Tiếng đứng xới cơm để phục vụ bữa ăn miễn phí cho người lao động nghèo trong mùa dịch. Ảnh: THANH TIỀN
Làm từ thiện sau lần nằm viện chăm con
10 giờ 30 sáng, những suất cơm nóng hổi lần lượt được gửi tới tận tay bà con lao động nghèo. Các thành viên hướng dẫn họ đảm bảo giãn cách, mang khẩu trang trong lúc nhận cơm.
Nhận hộp cơm từ tay một bạn trẻ, ông Trương Ngộ (77 tuổi) xúc động: “Tôi bán vé số dạo trên đường Lê Độ, trưa tranh thủ qua đây nhận cơm. Đến đây, tôi thấy mọi người nhiệt tình, vui vẻ thì tinh thần thêm phấn chấn. Do dịch bệnh, tôi bán không bằng một nửa ngày thường nên cuộc sống thêm khó khăn. Nhận cơm từ mọi người, tôi vui lắm, chỉ biết cám ơn và quý trọng những tấm lòng thơm thảo luôn giúp đỡ những người khó khăn như chúng tôi”.
Nói về “bếp cơm 0 đồng” của anh Tiếng, ông Nguyễn Ngự Tuyên, Chủ tịch UBND phường Chính Gián, cho biết hoạt động thiện nguyện của gia đình anh Tiếng đã quá quen thuộc với người dân địa phương và những người lao động nghèo.
“Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đang căng thẳng như thế này, về phía địa phương cũng thường xuyên nhắc nhở việc đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 khi phát cơm cho người lao động khó khăn” - ông Tuyên nói.
Nhiều năm qua, anh Tiếng, chủ “bếp cơm 0 đồng”, không còn xa lạ gì với mọi người. Anh Tiếng với khuôn mặt nhân hậu, loay hoay trong căn bếp chỉ dẫn mọi người chuẩn bị các suất cơm.
Anh Phạm Phú Tiếng tâm sự: “Cơ duyên đưa đẩy tôi đến với những bệnh nhân nghèo khi con gái tôi bị đau, nằm BV vào năm 2009. Những ngày chăm con ốm, tôi thấy cứ đến giờ ăn trưa hay tối là người nhà bệnh nhân kéo nhau chạy. Mặc dù đã cố chạy thật nhanh để kịp xin cơm từ thiện nhưng vẫn không được vì bệnh nhân đông quá. Thấy vậy, tôi về bàn với vợ nấu cơm thiện nguyện để giúp đỡ bệnh nhân và người nhà của họ”.
Các hộp cơm được phát cho người lao động nghèo trong nụ cười, giọt nước mắt xúc động của người nhận. Ảnh: THANH TIỀN
Tự đi chợ nấu cho bà con mới yên tâm
Anh Tiếng chia sẻ ban đầu vợ chồng anh chỉ nấu mỗi ngày tầm 100 suất cơm. Về sau, được sự hỗ trợ của các anh chị em trong gia đình nên tăng lên 2.000 suất mỗi tuần. Từ nấu cơm giúp đỡ bệnh nhân nghèo, anh Tiếng quyết định nấu cơm giúp đỡ cả những người lao động nghèo.
“Nấu cho bà con ăn cũng nấu như cho gia đình mình ăn, an toàn vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu nên tôi phải tự tay chọn mua mới an tâm. Bếp ăn đã hoạt động được 12 năm, mỗi suất ăn trao đi đều gửi gắm tình thương và sự sẻ chia với những người khó khăn” - anh Tiếng thủ thỉ.
Trước khi làm “bếp cơm 0 đồng”, anh Tiếng từng nhiều lần tổ chức cứu trợ lũ lụt, tặng quần áo cho học sinh nghèo và giúp đỡ người già neo đơn. Đà Nẵng trải qua nhiều đợt dịch, thấy bà con lao động nghèo đứt bữa nên anh và mọi người trong nhóm quyết định phải nấu cho bà con nghèo khó khi cần tới cái ăn.
“Dịch ở Đà Nẵng bùng phát cuối tháng 4-2021, tôi bàn với mọi người để làm chương trình “90 ngày chia sẻ yêu thương”. Bếp ăn được nấu liên tục trong 90 ngày nhưng giờ dịch vẫn còn nên tôi sẽ tiếp tục vì bà con nghèo” - anh Tiếng chia sẻ.
Ông Trần Đình Nam (tổ phó tổ 26, phường Chính Gián) cho hay “bếp cơm 0 đồng” của anh Tiếng là một hoạt động rất ý nghĩa. “Mọi người trong tổ dân phố rất cảm kích trong việc giúp đỡ cho người dân khó khăn từ trước đến nay, nhất là trong thời buổi dịch bệnh khó khăn này” - ông Nam nói.
Người bán vé số, ve chai có thêm cái ăn Chị Mai Thị Hiền (27 tuổi, trú tại số 102 Lê Độ) cho biết: “Bếp cơm từ thiện của anh Tiếng ngày thường hoạt động một tuần ba ngày nhưng gần ba tháng nay thì hoạt động liên tục. Bếp cơm giúp cho nhiều người nghèo, người bán vé số, nhặt ve chai trong lúc dịch bệnh có thêm miếng ăn. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa. Hy vọng là sẽ có nhiều quán cơm miễn phí như thế này để nhiều người nghèo khác được giúp đỡ”. |