Theo EIU, những thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất trên thế giới là Hamilton (Bermuda), Grand Cayman (quần đảo Cayman) và Mountain View (California, Mỹ) lần lượt xếp tốp 3 thế giới. Thấp nhất trên thế giới là thành phố Rosario (Argentina) xếp thứ hạng 334.
Tại khu vực châu Á, bảng xếp hạng gọi tên 3 thành phố là Hong Kong có mức sống đắt đỏ nhất, kế tiếp là Tokyo (Nhật) và Singapore. Ở phạm vi thế giới thì Hong Kong xếp thứ 12, Tokyo thứ 22 và Singapore là 32.
Để có bảng xếp hạng này, EIU đã so sánh giá 400 mặt hàng của 160 sản phẩm và dịch vụ, như thực phẩm, đồ uống, quần áo, đồ dùng gia đình, các mặt hàng chăm sóc cá nhân, chi phí học hành,…
EIU cho rằng, nhiều thành phố châu Á có mức sống khá đắt đỏ, nhưng cũng nhiều thành phố có chi phí sống rất rẻ, như Bangalore, Chennai and New Delhi, hay Karachi
TP.HCM và Hà Nội lần lượt xếp thứ hạng 286 và 313 trên thế giới, riêng khu vực châu Á thì TP.HCM đứng thứ 16 và Hà Nội là 24.
Một so sánh giữa mức sống TP.HCM và Singapore cho thấy Singapore có mức sống đắt đỏ hơn TP.HCM là 137 %. Cụ thể, thực phẩm cao hơn 104 %, nhà (190 %), quần áo (21 %), vận chuyển (127 %), giải trí (175 %).
InterNations, một mạng lưới người nước ngoài làm việc và sinh sống tại các quốc gia trên thế giới hồi năm 2017 cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát với sự tham gia của 12.519 người thuộc 166 quốc tịch đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài tại 188 quốc gia.
Kết quả khảo sát đưa ra trong báo cáo mang tên ExpatInsider 2017 cho thấy, Việt Nam xếp ở vị trí có chi phí sinh hoạt rẻ nhất đối với người nước ngoài. 93% người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam được hỏi nói họ có đủ hoặc nhiều tiền hơn số tiền mà họ cần để trang trải cuộc sống.
Để thực hiện chỉ số trên, InterNations tính chi phí trung bình của việc thuê căn hộ một phòng ở khu vực trung tâm, tiền điện nước, chi phí đi lại, giá một cốc cà phê cappuccino, giá một cốc bia... Tất cả chi phí được tính bằng đồng USD ở thời điểm tháng 9/2017 và được so sánh với chi phí sinh hoạt đối với người nước ngoài ở Mỹ.