Ngày 20-9, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam (VASS) chủ trì phối hợp Viện khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) tổ chức hội thảo quốc tế Hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam -Lào-Campuchia trong bối cảnh kinh tế số.
Đây là sự kiện khoa học quốc tế thường niên, được tổ chức luân phiên tại ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tiềm năng hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam-Lào, Campuchia còn nhiều
Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức bày tỏ cảm ơn khi TP.HCM được chọn tổ chức sự kiện.
Theo ông Đức, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số. Kinh tế số được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của các quốc gia trong nhiều thập niên tới.
Do đó, hội thảo có ý nghĩa lớn cho ba quốc gia nói riêng và cho sự phát triển kinh tế khu vực và thế giới nói chung.
Qua hội thảo này những kinh nghiệm sinh động của quốc gia cũng như luận cứ khoa học, các giải pháp chính sách là tham khảo hữu ích cho TP.HCM trong thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư thích ứng với bối cảnh kinh tế số hiện nay.
Bên cạnh đó, tiềm năng hợp tác thương mại đầu tư giữa ba nước nói chung và TP.HCM nói riêng rất lớn. Song kết quả đạt được thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng mỗi bên.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa ba quốc gia nói chung và TP.HCM sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, là tiền đề mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại đầu tư và phát triển bền vững của các bên.
Với sự đồng chủ trì tổ chức của ba cơ quan nghiên cứu hàng đầu của các quốc gia sẽ có nhiều giải pháp khuyến nghị chính sách quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hoàn thiện thể chế, cơ chế và chính sách tăng cường hoạt động hiệu quả thương mại hợp tác đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia.
“Chúng tôi mong muốn với các cơ hội trên TP.HCM sẽ tiếp tục là một trong những trung tâm quan trọng trong thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại đầu tư của ba nước. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM, thành phố lớn nhất Việt Nam tiếp tục tiên phong năng động sáng tạo, phát triển bền vững”-ông Đức nói.
Các nước cần xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số
Bà Phạm Bích Ngọc Trưởng phòng Phòng Kinh tế quốc tế của VASS cho biết, sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 đến nay quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước trong đó có Lào, Campuchia không ngừng được mở rộng.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác lớn thứ ba của Lào sau Thái Lan và Trung Quốc, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia sau Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa ba nước có sự tăng trưởng thiếu ổn định, có xu hướng giảm dần nhất là khi xảy ra dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chưa bền vững. Hàng hóa xuất khẩu của ba nước đều chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường nhập khẩu trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia -Lào - Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, để thúc đầy phát triển kinh tế số trong thời gian tới, ba quốc gia cần xây dựng, hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số.
Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng, hạ tầng mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia.
Bên cạnh đó, các quốc gia cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ sản xuất…
Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, không ngừng trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, Chính phủ cần tạo dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số để doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng, thế mạnh của kỷ nguyên kinh tế số.