Việt Nam đã tăng 2,2 điểm, đạt 55,3 điểm so với năm ngoái, nguyên nhân có sự gia tăng sức khỏe tài khóa, tự do về đầu tư. Nền kinh tế Việt Nam có sự tăng tốc nhanh trong năm 2018 và hưởng lợi đến từ chuỗi cung ứng mới do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Trong bản báo cáo cũng đưa ra lời khen ngợi, rằng Việt Nam đã và đang chuyển mình sang nền kinh tế định hướng thị trường. Các thủ tục hành chính đã thông thoáng và khung pháp lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được cải thiện. Thị trường lao động ngày càng trở nên linh hoạt và có năng suất cao. Chính phủ đã kiểm soát tốt giá trong các lĩnh vực hàng không, năng lượng, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục để từ đó giúp kiềm chế lạm phát.
Heritage cũng cho biết tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 200,3% GDP. Thuế suất áp dụng trung bình là 2,9%. Các hạn chế đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại hàng hóa đã từng bước được nới lỏng và có khoảng 30% người Việt trưởng thành sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, Heritage cũng đưa ra lời khuyên, để tăng trưởng mạnh mẽ Việt Nam cần tiếp tục cải cách các doanh nghiệp nhà nước, tăng tính minh bạch cho môi trường kinh doanh. Ngoài ra cần thu hẹp bộ máy quan liêu và củng cố lại hệ thống tư pháp để cải thiện tính tự do nền kinh tế.
"Việt Nam cũng cần giảm chi tiêu công, thâm hụt ngân sách vì chi tiêu chính phủ đã đạt 24,9% GDP và ngân sách đã thâm hụt tương đương 5,7% GDP. Cải thiện được những điều này thì nền kinh tế Việt Nam mới phát triển bền vững", báo cáo chỉ ra.