Gần đây, người dân và khách du lịch tại Lebanon được cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột toàn diện, trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Iran vẫn khó lường. Sau các thông báo này, nhiều khách du lịch vội vã nói lời chia tay với những người thân ở Lebanon, mua vé với giá đắt và nhanh chóng rời khỏi nước này, theo tờ The Washington Post.
Tại sân bay ở Beirut (Lebanon), hành khách tập trung đông để chờ đợi các chuyến bay. Trong khi đó, các hãng hàng không như Lufthansa (Đức), Air France (Pháp),... đã hủy các chuyến bay đi và đến Lebanon.
Điều này khiến giá vé tăng vọt. Giá vé tăng cao khiến nhiều người dân Lebanon dù muốn rời đi nhưng không thể, do họ đang đối mặt những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, bao gồm lạm phát tăng cao và đồng tiền Lebanon đã mất giá đáng kể.
Rời đi hay quay về?
Làn sóng rời Lebanon bắt đầu vào tuần trước, sau các vụ ám sát liên tiếp nhằm vào chỉ huy cấp cao của Hezbollah gần Beirut và lãnh đạo chính trị Hamas – ông Ismail Haniyeh ở Tehran (Iran).
Trong bối cảnh này, Anh đã đề nghị công dân nước này "rời khỏi Lebanon ngay lập tức", trong khi Pháp giục công dân Pháp rời đi "càng sớm càng tốt". Trong cảnh báo vào cuối tuần trước, Đại sứ quán Mỹ tại Beirut cũng hướng dẫn những người Mỹ muốn rời khỏi Lebanon “đặt vé máy bay đang có”.
Cô Mireille Malaket cho biết vào tuần trước khi tình hình trở nên căng thẳng, cô đã vội vã đặt lại vé về Canada. Cô Malaket cho biết toàn bộ tình hình thay đổi rất nhanh, bầu không khí trở nên “căng thẳng” ngay từ khi cô đến Lebanon vào đầu tháng 7.
“Tôi có thể đợi [cho tình hình qua đi], nhưng điều đó sẽ rất rủi ro” – cô Malaket nói.
Tại công ty lữ hành của ông Samer Shamass, điện thoại đặt vé reo liên tục kể từ khi chỉ huy cấp cao của Hezbollah bị tiêu diệt. Hầu hết người đặt vé rời đi là những người đã đến Lebanon để thăm gia đình vào mùa hè.
"Có rất ít lựa chọn và những lựa chọn này rất tốn kém, nhưng hiện tại, mọi người đang rời đi. Họ có việc làm. Con cái họ được đi học, nên rời đi là điều hợp lý" – ông Shamass cho biết.
Tuy nhiên, đối với phần lớn dân số Lebanon thì họ không có nơi nào để đi. Dân số của Lebanon là khoảng 5,3 triệu người. Theo Ngân hàng Thế giới, 44% dân số của Lebanon sống trong cảnh nghèo đói. Lebanon có chung biên giới với Israel và Syria nhưng nền kinh tế của hai quốc gia này cũng đang lao dốc.
Chi phí cho một vé một chiều rời khỏi Lebanon cao hơn thu nhập của nhiều hộ gia đình Lebanon trong một tháng. Giá vé của hãng hàng không Middle East Airlines của Lebanon bay từ Beirut đến Paris (Pháp) có giá khoảng 300 USD. Trong khi đó, giá vé một chiều từ Beirut đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trên hãng hàng không Turkish Airlines tăng lên khoảng 500 USD.
Dù vậy, không phải ai cũng muốn rời đi. Một số công dân Lebanon đang trở về nhà để họ có thể ở gần gia đình hơn.
Ông Jean Riachi đã vội hủy kỳ nghỉ ở Hy Lạp để quay về quê nhà Lebanon. "Tất cả chúng tôi đều bị sốc do những gì đã xảy ra trong cuộc xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah vào năm 2006” – ông Riachi nói. Do đó, ông muốn về nhà để dù có chuyện gì xảy ra vẫn được ở bên gia đình.
Ông Riachi cho biết khi về nhà, ông và gia đình ông vẫn không thay đổi thói quen hàng ngày. Ông Riachi cho hay những đứa con của ông dù đang sống ở nước ngoài nhưng cũng quay về nhà.
"Chúng muốn được về nhà. Với gia đình tôi, điều này không có gì đặc biệt, hầu hết người dân Lebanon đều như vậy” – ông Riachi cho biết.
Tác động khôn lường
Dù có vé máy bay, việc rời khỏi Lebanon cũng không hề dễ dàng. Giao thông đến sân bay ở thủ đô Beiruit đông đúc. Tại sân bay, số lượng người không ngừng tăng lên.
Dù đông đúc là vậy, nhưng theo đài DW, sân bay tại Beiruit vẫn hoạt động bình thường. Ông Mazen Sammak – người đứng đầu Hiệp hội phi công tư nhân Lebanon – cho biết sân bay đông đúc có thể là do nhiều đại sứ quán đồng loạt yêu cầu công dân của họ rời khỏi Lebanon.
"Những đại sứ quán này đã nêu rõ về việc cần phải rời khỏi Beirut ngay trên chuyến bay gần nhất. Điều này gây ra sự hoảng loạn khi công dân nước ngoài vội vã di chuyển càng nhanh càng tốt. Cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn khi một số hãng hàng không dừng các chuyến bay đến Beirut. Điều sau đó dẫn đến nhu cầu mua vé cho các chuyến bay tăng lên, khiến giá vé tăng" – ông Sammak giải thích.
Cho đến nay, tình trạng đông đúc và hủy chuyến bay ở Beirut chưa ảnh hưởng đến lưu lượng hàng không ở các quốc gia xung quanh. Nhưng nếu tình hình tiếp tục, điều đó có thể thay đổi.
Ông Zuhair Khashman – Giám đốc điều hành hãng hàng không tư nhân Jordan Aviation – cảnh báo rằng nếu xung đột toàn diện xảy ra, nó có thể gây ra thảm họa cho ngành hàng không trong khu vực.
"Việc đóng không phận và chuyển hướng các chuyến bay và tuyến bay này có thể dẫn đến thảm họa kinh tế cho các hãng hàng không, đặc biệt là khi nhiều hãng vẫn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19" – ông Khashman nói.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo (Ai Cập), ngày 8-8, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon ra thông báo khẩn khuyến cáo công dân Việt Nam đang ở Lebanon cần rời khỏi quốc gia này trong thời gian sớm nhất có thể, trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang tiếp tục xấu đi, đặc biệt căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah không ngừng leo thang nguy hiểm.
Trong thông báo khẩn, đại sứ quán khuyến cáo công dân trong nước không đến Lebanon vào thời điểm hiện nay, đồng thời đề nghị công dân Việt Nam đang sinh sống tại Lebanon không đến gần biên giới Lebanon-Israel và khu vực phía nam thủ đô Beirut hoặc có thể rời khỏi Lebanon trong thời gian sớm nhất có thể khi các sân bay và các chuyến bay thương mại vẫn còn đang hoạt động.
Đại sứ quán đề nghị công dân Việt Nam tại Lebanon cần thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế và sở tại.
Trong trường hợp bất khả kháng không thể rời khỏi Lebanon, bà con cần tìm nơi tạm trú ở những vùng an toàn hơn và có phương án dự trữ thực phẩm, thuốc men đề phòng trường hợp không thể ra ngoài trong nhiều ngày.