Ngày 15-7, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt (VTĐS) Sài Gòn cho biết đã xác minh, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan sau loạt bài phản ánh của Báo Pháp luật TP.HCM về “Cò vé bát nháo ở ga Sài Gòn”.
Theo Công ty cổ phần VTĐS Sài Gòn, ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài viết “Cò vé bát nháo ở ga Sài Gòn" (ra ngày 13-6), nội dung phản ánh tình trạng cò vé móc nối với nhân viên đường sắt, công ty đã khẩn trương xác minh, làm rõ nội dung phản ánh của Báo.
Sau đó, Công ty đình chỉ công tác đối với các cá nhân có liên quan, tổ chức phân tích, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo công ty, tiếp viên Nguyễn Vũ T phụ trách toa 10 tàu SE4 xuất phát ga Sài Gòn (ngày 26-4), Phó Trưởng tàu khách phụ trách an toàn Phùng Minh Đ phụ trách đoàn tàu SPT2 xuất phát Sài Gòn (ngày 27-4) đã thông đồng, móc nối với cò vé tại ga Sài Gòn để đưa người không vé vào ga lên tàu, thu lợi bất chính.
Đây là hành vi vi phạm nội quy lao động của Công ty, vi phạm quy định về vận chuyển hành khách, vi phạm về chống tiêu cực bao khách, bao hàng trên tàu, dưới ga, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của Công ty và đơn vị.
Theo đó, Hội đồng kỷ luật xác định hành vi của hai người này đã vi phạm nghiêm trọng, cần xử lý kỷ luật nghiêm khắc với hình thức xử lý cao nhất. Tuy nhiên cả hai nhân viên đã thành khẩn kiểm điểm, nhận khuyết điểm và có đơn xin được chấm dứt hợp đồng lao động và Hội đồng kỷ luật đã xem xét đơn và thống nhất chấp thuận theo nguyện vọng.
Riêng đối với tiếp viên Phạm Thị Ngọc M phụ trách toa 3 tàu SE8 xuất phát Sài Gòn ngày (29-4) cũng được hội đồng kỷ luật xác định đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng trong công tác phục vụ vận tải hành khách.
Qua sự việc trên tiếp viên Phạm Thị Ngọc M đã thành khẩn kiểm điểm, nhận khuyết điểm về hành vi vi phạm của bản thân. Bà có đơn mong muốn, do hoàn cảnh gia đình nên bà mong có cơ hội làm việc, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.... vì vậy Hội đồng kỷ luật đã xem xét, thống nhất xử lý kỷ luật với hình thức kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng và bố trí làm công việc lao động phổ thông tại tổ phục vụ vận tải.
Công ty CP VTĐS Sài Gòn cũng đã khẩn trương rà soát những bất cập, hạn chế trong quy trình kiểm tra, kiểm soát vé đối với hành khách vào ga đi tàu; kịp thời xây dựng biện pháp hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng móc nối giữa “Cò vé”; Chấn chỉnh về công tác chống tiêu cực bao khách, bao hàng và có các biện pháp cấp bách, hiệu quả để ngăn chặn các hành vi tiêu cực tại đơn vị.
Công ty cũng nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm, đồng thời bố trí nhiệm vụ khác đối với các cá nhân liên quan gồm: Lê Thành V phụ trách mác tàu SE4 xuất phát Sài Gòn ngày 26-4, Nguyễn Văn Th phụ trách mác tàu SPT2 xuất phát Sài Gòn ngày 27-4 và Nguyễn Văn Th phụ trách mác tàu SE8 xuất phát Sài Gòn ngày 29-4. Công Ty cũng phê bình một số cấp lãnh khác.
Siết chặt các khâu trong vận tải hành khách bằng tàu hỏa
Sau khi Báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh sự việc, Công ty CP VTĐS Sài Gòn đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm chấn chỉnh các khâu trong vận tải hành khách bằng tàu hỏa.
Cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra bằng nhiều hình thức đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng, chống tiêu cực bao khách, bao hàng trên tàu, dưới ga. Xử lý nghiêm theo hướng tăng nặng đối với các tập thể, cá nhân cố tình vi phạm, tiếp tay, thông đồng với các đối tượng “Cò vé” và giữa bộ phận khách vận dưới ga với tổ tiếp viên trên tàu và ngược lại để bao khách, bao hàng và thực hiện các hành vi tiêu cực khác.
Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi bao khách, bao hàng trên tàu, dưới ga; Tổ chức phát thanh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website, facebook Công ty về phương thức bán vé, chính sách ưu đãi, các hình thức bán vé, giá vé, các điểm bán vé của Công ty VTSG, ... để hành khách đi tàu biết thông tin và tránh mua phải vé giả, vé không hợp lệ của các đối tượng "Cò vé", gây thiệt hại cho hành khách và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của Công ty, cũng như của ngành đường sắt.
Tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, nhân viên và người lao động, đặc biệt tạo điều kiện, chăm lo đời sống cho người lao động, để họ đảm bảo cuộc sống gia đình và yên tâm công tác.
Chỉ đạo các đơn vị, bộ phận trực thuộc tổ chức cho các chức danh làm công tác vận tải hành khách, hành lý ký cam kết không tiêu cực, bao khách, bao hàng, kiểm tra, giám sát nghiêm việc thực hiện tác nghiệp.