Ngày 19-8, ông Nguyễn Trọng Hổ, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 và ông Nguyễn Hải Đường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL, đã làm việc với Pháp Luật TP.HCM để làm rõ thêm những vướng mắc về đăng kiểm, hoạt động đối với thuyền buồm tại Việt Nam.
Ông Đường cho biết sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài: "Ông 'trùm thuyền buồm Úc: Rất đáng tiếc cho du lịch biển Việt Nam", Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL nghiên cứu, xử lý vấn đề Pháp Luật TP.HCM phản ánh về những vướng mắc trong lĩnh vực thuyền buồm.
Theo đó, sau khi làm việc với báo, doanh nghiệp đóng thuyền buồm tại TP.HCM và các cơ quan nhà nước liên quan (đăng kiểm) để tìm hiểu thêm những tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực này, Tổng Cục Thể dục thể thao sẽ có báo cáo tình hình bộ trưởng Bộ VH-TT&DL để phối hợp các bộ, ngành tìm hướng tháo gỡ.
Trước đó nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam là quốc gia biển, có nhiều tiềm năng để khai thác các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch bằng thuyền buồm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng về ngành đóng thuyền buồm nên các doanh nghiệp rất khó mở mang các hoạt động về thuyền buồm.
Một chiếc thuyền buồm trên sông Sài Gòn.
Đó là chưa kể các thủ tục có liên quan đều vướng mắc như quy hoạch, đăng kiểm, vận hành thể thao và du lịch. Trong khi các nước họ sử dụng thuyền buồm để chu du khắp thế giới thì ở Việt Nam loại thuyền này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.
Nghịch lý còn ở chỗ tại Việt Nam buồm chỉ được phép căng lên khi thuyền đứng tại chỗ, còn căng lên để chạy thì chưa được phép.
Ông Richard Ward, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Corsair Marine International - chủ nhân hai hãng thuyền buồm danh tiếng Seawind và Corsair Marine, cho rằng một quốc gia biển như Việt Nam cần đánh giá đầy đủ, xem đây là môn thể thao thực thụ để mở đường cho ngành du lịch, thể thao thuyền buồm phát triển.