Thủ tướng nhắc lại chính nhận định của GS Klaus Schawab, Chủ tịch WEF tại WEF Davos, Thụy Sĩ đầu năm 2014 rằng “nguy cơ bất ổn đang tăng lên”. Điều này không chỉ diễn ra ở Đông Âu, Bắc Phi mà thực sự đang rất nóng bỏng tại biển Đông và biển Hoa Đông.
“Trên thực tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực”, Thủ tướng phát biểu.
Các diễn biến trên biển Đông có thể dẫn tới bất ổn, xung đột, và nếu thế sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn – chiếm tới 2/3 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu vận chuyển bằng đường biển. Khi đó, không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả các nền kinh tế khác cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới vốn vẫn còn mong manh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới
WEF Đông Á năm nay đón hơn 600 đại biểu, bao gồm lãnh đạo nước chủ nhà Philippines, lãnh đạo các nước Indonesia, Myanmar… cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), và lãnh đạo nhiều tập đoàn quốc tế hàng đầu.
Trước các thính giả này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tới việc TQ đang đưa hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay để bảo vệ việc làm trái phép, hạ đặt giàn khoan 981 trên vùng biển VN. Thủ tướng khẳng định hành động này của TQ không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước luật biển, các thỏa thuận cam kết với ASEAN, mà đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Trong khuôn khổ WEF Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn đa quốc gia. Tại các cuộc gặp, Thủ tướng thông báo về các giải pháp, kết quả của Chính phủ VN trong việc ngăn chặn, xử lý các vụ việc quá khích vốn gây thiệt hại cho một số DN trong nước, trong đó có DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thủ tướng cho biết đến nay tình hình đã được kiểm soát, và khẳng định cam kết của VN trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh tự do, lành mạnh, an toàn. Khẳng định ổn định chính trị - xã hội vẫn là yếu tố hấp dẫn với các nhà đầu tư, để có chiến lược dài hạn với một nền kinh tế tăng tưởng năng động như VN.
Điều đáng chú ý trong sự kiện này, đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ông Philipp Roesler, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt, hiện là Giám đốc WEF.
Nghĩa Nhân
Từ Manila, Philippines