Nằm ngoài kế hoạch ban đầu, trong ngày dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, 22-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện Philippines. Trong cả hai cuộc gặp này, điều mà các nhà lãnh đạo hai nước thống nhất cao chính là mối quan ngại về những hành xử tiêu cực, trái phép của Trung Quốc ở biển Đông.
Mở đầu trao đổi, Chủ tịch Hạ viện Philippines Feliciano Belmonte nói ngay sự quan ngại sâu sắc về hành vi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ông cho biết ngay cả các nghị sĩ gốc Hoa tại Hạ viện Philippines cũng bày tỏ sự phẫn nộ của mình về hành động này của Trung Quốc.
Chủ tịch Hạ viện Belmonte cho biết ông và các nghị sĩ hoàn toàn ủng hộ tuyên bố mà Tổng thống Aquino và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra sau cuộc hội đàm chiều hôm qua. Hạ viện ủng hộ lập trường của hai nhà lãnh đạo, kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước ASEAN cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu TQ chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đón tiếp long trọng tại Philippines
Điều đáng chú ý là tại buổi hội kiến này, Chủ tịch Hạ viện Belmonte nói ông hiểu biết sâu sắc về quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc, cũng như cách thức mà Việt Nam giải quyết tranh chấp và xung đột với cường quốc đang lên này. Ông Chủ tịch cũng nhắc lại sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước đây, cũng như vụ hạ đặt giàn khoan 981 đang diễn ra là vi phạm luật pháp quốc tế. Cách thức mà ông Belmonte bày tỏ là hiếm thấy, bởi thông thường lãnh đạo các quốc gia thường tránh đề cập đến vụ việc tranh chấp cụ thể giữa hai quốc gia khác.
Với sự chia sẻ ấy, Chủ tịch Belmonte nhấn mạnh Philippines kiên định ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông vì đây là vấn đề chung của cả hai nước. Ông cho rằng những gì Trung Quốc đã và đang làm với Philippines , Việt Nam mới chỉ là những sự việc bắt đầu. Nếu các nước không đoàn kết ngăn chặn, các quốc gia khác có thể là những nạn nhân tiếp theo của Trung Quốc trong quá trình cố gắng hiện thực hóa “đường chín đoạn” phi pháp của mình.
Còn trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Thượng viện Philippines Franklin Drilon khẳng định ông và Thượng viện hoàn toàn ủng hộ lập trường, quan điểm có tính nguyên tắc của chính phủ hai nước về việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhất là phải tuân thủ UNCLOS mà cả Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Ông Drilon nhấn mạnh việc tham gia UNCLOS đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Trung Quốc phải tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết. Có vậy mới bảo đảm cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông. Ông cho biết vì trách nhiệm ấy, Philippines phải viện đến tòa án quốc tế để đấu tranh với hành động vi phạm của Trung Quốc với chủ quyền của Philippines.
Trong cả hai cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều cảm ơn chính giới và người dân Philippines đã ủng hộ quan điểm, lập trường chung của CP hai nước về vấn đề biển Đông. Thủ tướng cũng chuyển lời mời thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới lãnh đạo hai viện Quốc hội Philippines. Chủ tịch Hạ viện Belmonte vui vẻ nhận lời và cho biết sẽ sớm sang thăm Việt Nam. Còn Chủ tịch Thượng viện Drilon cho biết ông sẽ sang thăm Việt Nam vào dịp Hà Nội tổ chức Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) vào năm tới.
Nghĩa Nhân
từ Manila, Phillipines