Vụ tai nạn 10 người chết ở Quảng Nam: Đang làm rõ trách nhiệm

(PLO)- Tuyến đường Võ Chí Công đã được các cơ quan chức năng cắm biển hạn chế tốc độ 60 km/giờ, đồng thời đặt biển cấm xe khách, xe tải, xe đầu kéo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 15-2, Thượng tá Phạm Viết Tiến, Trưởng Công an huyện Núi Thành, Quảng Nam, cho biết cơ quan CSĐT công an huyện đang tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng hôm 14-2 khiến 10 người chết tại ngã tư giao nhau giữa đường Võ Chí Công và đường dẫn xuống cảng Tam Hiệp.

Theo Thượng tá Tiến, cơ quan CSĐT vẫn chưa khởi tố vụ án, bởi đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan điều tra cần thời gian, xác định chính xác lỗi thuộc về ai, đơn vị nào mới đưa ra quyết định tiếp theo.

Biển báo cấm xe khách, xe tải đặt trên đường Võ Chí Công. Ảnh: TN

Biển báo cấm xe khách, xe tải đặt trên đường Võ Chí Công. Ảnh: TN

Đường cấm xe khách, container, xe tải trên 5 tấn

Theo tìm hiểu, tuyến đường xảy ra vụ tai nạn đã thông xe kỹ thuật từ năm 2020. Từ đó lưu lượng tham gia giao thông ngày càng tăng, nhiều xe tải trọng nặng, kích thước lớn, chạy với tốc độ cao nên nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông thương vong, thiệt hại về người và tài sản đã xảy ra.

Để đảm bảo ATGT trên tuyến, ngày 12-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang ký văn bản về việc tổ chức giao thông trên tuyến đường ven biển ĐT603 và ĐT619 (đường Võ Chí Công) gửi Sở GTVT, công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Theo đó, đường Võ Chí Công từ cầu Cửa Đại đến sân bay Chu Lai đang lưu thông với quy mô đường hai chiều, dòng xe lưu thông hỗn hợp. Tính chất phục vụ đa mục tiêu, phục vụ vận tải phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dân sinh.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam nhận thấy các tồn tại như lưu lượng giao thông rất lớn vào giờ cao điểm, có xu hướng tăng dần, xe có kích thước lớn gây cản trở, làm chậm tốc độ lưu thông các xe khác và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan chuyên môn cấm xe kéo sơmi rơmoóc, xe sơmi rơmoóc, xe tải trọng từ 5 tấn trở lên lưu thông (trừ xe phục vụ các công trình dọc tuyến và các dự án hai bên tuyến mà không có đường đi khác).

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết tuyến đường Võ Chí Công chưa bàn giao, đưa vào sử dụng nên trách nhiệm quản lý thuộc về chủ đầu tư.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở GTVT, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (viết tắt BQLDA) tỉnh thực hiện cắm biển trên toàn tuyến, hoàn thành trước ngày 20-1-2023.

Đồng thời, tỉnh Quảng Nam giao công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP tuyến đường Võ Chí Công đi qua chỉ đạo Phòng CSGT, các đội CSGT tăng cường kiểm tra việc chấp hành của các xe tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Theo ghi nhận của PV, tuyến đường Võ Chí Công đã được các cơ quan chức năng cắm biển hạn chế tốc độ 60 km/giờ, đồng thời đặt biển cấm xe khách, xe tải, xe đầu kéo… đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam.

Hiện trường vụ tai nạn đau lòng xảy ra vào rạng sáng 14-2. Ảnh: TN

Hiện trường vụ tai nạn đau lòng xảy ra vào rạng sáng 14-2. Ảnh: TN

Các bên liên quan nói gì?

Mặc dù tuyến đường Võ Chí Công (đoạn từ dốc Diên Hồng đi sân bay Chu Lai) chưa hoàn thiện nhưng tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương cho thông xe tại các đoạn từ Km0+000 đến Km13+900 và từ Km17+040 đến Km20+240 để phục vụ nhân dân đi lại trong dịp tết Nguyên đán 2022 theo đề nghị của BQLDA và Sở GTVT tỉnh này.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu BQLDA tỉnh (chủ đầu tư) tổ chức lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ di chuyển và các loại xe lưu thông. “Do công trình chưa nghiệm thu bàn giao cho đơn vị quản lý nên yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục có trách nhiệm bố trí người thường xuyên theo dõi, xử lý, khắc phục ngay những bất cập (nếu có) ảnh hưởng đến ATGT trên các đoạn tuyến” - văn bản nêu rõ.

Đại diện BQLDA tỉnh Quảng Nam cho biết hiện nay đường Võ Chí Công chưa hoàn thiện 100% nên chưa được bàn giao cho cơ quan chuyên môn quản lý, đưa vào sử dụng. “Tuy nhiên, Sở GTVT đã kiểm tra, tỉnh cũng đã có chủ trương thông xe một số đoạn từ tháng 1-2022. Ban cũng đã tổ chức cắm biển báo, cắm biển bổ sung… theo yêu cầu” - vị này nói.

Theo vị này, đối với đoạn xảy ra vụ tai nạn giao thông ngày 14-2 đã đảm bảo về mặt thiết kế, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật… nên đã được phép thông xe. Tuy nhiên, đoạn đường này đang hạn chế phương tiện tham gia giao thông như xe khách, container, xe tải trên 5 tấn… với mục đích là hạn chế nguy cơ mất ATGT.

Nói về phương án cấm toàn tuyến (từ dốc Diên Hồng đi sân bay Chu Lai) khi công trình chưa hoàn thiện để đảm bảo ATGT, vị này cho rằng khó vì không đúng với chủ trương của tỉnh, xuất phát từ nhu cầu đi lại thực tế của nhân dân. “Ban không đá trách nhiệm cho ai, ban đã làm hết trách nhiệm để vận hành, lưu thông nhưng tai nạn đau thương xảy ra không ai mong muốn” - vị này cho hay.

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết tuyến đường Võ Chí Công chưa bàn giao, đưa vào sử dụng nên trách nhiệm quản lý thuộc về chủ đầu tư.

“Thanh tra Sở GTVT từng có văn bản nhắc nhở, kiểm tra tại những điểm giao với đường của tỉnh (sở quản lý - PV). Còn đường đang đầu tư thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm quản lý theo quy định” - ông Tuấn nói.•

Xe khách chạy quá tốc độ

Theo dữ liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam, thời điểm xảy ra tai nạn là lúc 3 giờ 41 phút ngày 14-2, xe đầu kéo chạy với tốc độ 30 km/giờ, trước đó 10 giây là 48 km/giờ; tuyến đường hậu cần cảng Tam Hiệp cho phép chạy tối đa 70 km/giờ. Tốc độ xe khách lúc 3 giờ 40 là 69 km/giờ, trước đó 10 giây tốc độ xe khách là 73 km/giờ.

“Tài xế khai đang tập trung phía trước thì nghe tiếng va chạm mạnh, không thắng kịp nên chạy khoảng 100 m thì dừng lại. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ điều tra hiện trường, căn cứ dấu vết… mới đi đến kết luận cuối cùng” - Thượng tá Phạm Viết Tiến, Trưởng Công an huyện Núi Thành, cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm