Ngày 23-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết chiều 26-6 UBND tỉnh sẽ nghe tổ thẩm định độc lập chính thức báo cáo kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng của ngư dân tỉnh này.
“Quan điểm từ trước đến nay của UBND tỉnh là sau khi có kết quả thẩm định chính thức sẽ xử lý quyết liệt. Cá nhân, đơn vị nào sai thì phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm. Trước mắt phải tập trung khắc phục triệt để cho bà con ngư dân. Máy móc, thiết bị, thép tàu… không đúng hợp đồng thì phải thay mới. Tỉnh sẽ xử lý hoặc chỉ đạo xử lý triệt để về mặt hành chính, nhất là yêu cầu làm rõ hợp đồng giữa ngư dân và các công ty đóng tàu để buộc các cơ sở đóng tàu phải làm đúng hợp đồng đã ký với ngư dân. Còn những sự việc, hành vi có dấu hiệu tội phạm hình sự thì UBND tỉnh yêu cầu công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật” - ông Châu nhấn mạnh.
Thép đóng tàu không đạt chuẩn
Thông tin với PV, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết đến ngày 23-6 hai doanh nghiệp đóng 19 con tàu vỏ thép bị hư hỏng là Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) vẫn chưa cung cấp hồ sơ cho tổ thẩm định độc lập để phục vụ việc kiểm tra.
Theo ông Hổ, kết quả kiểm tra hồ sơ bản photocopy do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cung cấp cho thấy trong hợp đồng đóng tàu giữa ngư dân với Công ty Đại Nguyên Dương không ghi loại thép gì. Còn trong chứng thư về giá, chứng từ thanh toán đều ghi là thép Hàn Quốc. Thế nhưng trên thực tế cả năm con tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng đều sử dụng thép Trung Quốc. “Ngư dân trả tiền thép Hàn Quốc nhưng lại đóng bằng thép Trung Quốc là sai rồi. Không những thế, khi kiểm tra thêm thì phát hiện có đến tám mẫu thép lấy từ tám con tàu không đạt thép cấp A, trong đó có ba tàu sử dụng thép có thành phần hóa học mangan (Mn) không đạt tiêu chuẩn loại thép thường cấp A” - ông Hổ nói.
Theo một số chuyên gia đóng tàu vỏ thép, khi hàm lượng mangan thiếu trong thép đóng tàu sẽ làm giảm độ cứng, độ bền của vỏ tàu. Kết quả kiểm tra thực tế của tổ thẩm định cũng cho thấy trong 19 tàu vỏ thép bị hỏng của ngư dân Bình Định có tám tàu bị gỉ sét nặng. Trong đó có năm tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, ba tàu do Công ty Nam Triệu đóng.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định nhìn nhận: “Hợp đồng đóng tàu mà không ghi rõ đóng thép loại gì là vấn đề rất lạ, rất khó hiểu vì thép chiếm một tỉ lệ rất lớn trong con tàu… Trong cuộc họp sắp đến, tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh có biện pháp buộc các công ty đóng tàu phải cung cấp đầy đủ hồ sơ để kiểm tra”.
Cũng theo ông Hổ, sắp tới Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục lấy thêm nhiều mẫu thép ở nhiều vị trí khác nhau của con tàu để kiểm tra toàn diện, kỹ lưỡng chất lượng, chủng loại, độ dày thép đóng tàu khi đưa tàu lên đà sửa chữa.
Trong khi đó, Đại tá Đặng Ngọc Oanh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, lại cho rằng chưa bao giờ tổ thẩm định yêu cầu công ty này cung cấp hồ sơ. “Nếu tỉnh yêu cầu thì chúng tôi cung cấp hồ sơ photocopy có công chứng ngay vì bản gốc thì công an giữ rồi” - ông Oanh nói.
Tổ thẩm định độc lập lấy mẫu kiểm tra một tàu vỏ thép hỏng. Ảnh: TL
Một con tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bị rỉ sét trầm trọng. Ảnh: TL
“Cục đẩy cải tạo thành máy đẩy”
Trưa 23-6, Đại tá Đặng Ngọc Oanh gọi điện thoại cho PV Pháp Luật TP.HCM cho hay trong sáng cùng ngày ông đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Tân Trung Thịnh (Bà Rịa-Vũng Tàu), một trong hai đại lý phân phối ủy quyền máy thủy Mitsubishi tại Việt Nam, mua 11 máy thủy Mitsubishi mới chính hãng. Số máy này để cho 11 tàu vỏ thép bị hỏng máy của ngư dân Bình Định do Công ty Nam Triệu đóng. “Ngay trong đầu tuần tới, Công ty Tân Trung Thịnh sẽ đưa ra Bình Định trước bảy máy, dự kiến lắp xong cho bảy tàu trước ngày 15-7. Đến đầu tháng 8-2017, chúng tôi sẽ thay xong toàn bộ máy mới các tàu còn lại” - ông Oanh thông tin.
Cũng theo ông Oanh, Công ty Nam Triệu sẽ tháo 11 máy tàu đã lắp trước đây, trả lại cho Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (quận 2, TP.HCM), doanh nghiệp bán máy cho Nam Triệu đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định. “Chúng tôi trả máy cho Hoàng Gia Phát nhưng không giao trực tiếp cho họ vì sợ họ lấy đi bán. Do đó, chúng tôi chỉ trả máy thông qua nơi Hoàng Gia Phát đã mua trước đây. Sau đó còn thiếu bao nhiêu tiền thì Hoàng Gia Phát phải trả lại cho Nam Triệu” - ông Oanh giải thích.
PV nêu vấn đề với ông Oanh: “Công ty Hoàng Gia Phát nói đã cung cấp máy đúng theo hợp đồng đã ký với Nam Triệu và đó là máy bộ chứ không phải máy thủy. Công ty Nam Triệu có cố tình lắp máy dỏm cho ngư dân?”. Ông Oanh nói: “Trong hợp đồng Nam Triệu ký với Hoàng Gia Phát ghi là máy thủy, ký hiệu thì chúng tôi không biết. Sau khi hãng Mitsubishi xác định các máy tàu do Hoàng Gia Phát bán cho chúng tôi không phải hàng chính hãng, không phải máy thủy, Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an yêu cầu chúng tôi truy đến cùng nguồn gốc các máy mà Hoàng Gia Phát bán. Chúng tôi mới biết Hoàng Gia Phát là người thứ ba tiếp nhận máy, Nam Triệu là người thứ tư. Chúng tôi đã đến tận nơi mua máy đầu tiên ở Long An và lấy được hồ sơ gốc của máy. Hồ sơ cho thấy các máy này không phải máy thủy, cũng không phải máy bộ mà là cục đẩy cải tạo thành máy đẩy. Các máy này xuất xứ từ Mỹ, có chứng chỉ của Mỹ”.