Vụ thảm sát ở Nghệ An: Mâu thuẫn bột phát, dùng dao giết người

“Vi Văn Hai (thường gọi là Mằn, ở bản Phồng) đã nhận tội. Công an tỉnh Nghệ An có đủ cơ sở kết luận Hai là hung thủ đã giết bốn người. Cơ quan CSĐT công an tỉnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hai về tội giết người”. Đại tá Lê Khắc Thuyết - Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Nghệ An thông tin về kết quả điều tra vụ án giết bốn người tại bản Phồng (xã Tam Hợp, huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) như trên tại buổi họp báo vào chiều qua (22-7).

Buổi họp báo do Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, chủ trì. Dự buổi họp báo có Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục C45 và Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền - Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cũng tham dự và biểu dương, trao thưởng cho lực lượng tham gia phá án.

Không có đồng phạm

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, trong vụ án này, chỉ vì một mâu thuẫn đột xuất, bất ngờ và bột phát mà nảy sinh ra một vụ thảm sát rất dã man. “Quá trình điều tra cho thấy chỉ một mình Hai gây án. Hai có mối quan hệ tình cảm với nạn nhân hay không thì không nằm trong phạm vi thu thập của cơ quan điều tra. Ngoài ra, cô Yến cùng chồng, con cùng mẹ chồng đã chết nên đề cập đến những vấn đề không có căn cứ là không nên. Do vậy, chúng tôi từ chối cung cấp thông tin này. Chúng tôi cũng khẳng định nguyên nhân xảy ra vụ án mạng này là do mâu thuẫn bột phát giữa Hai và anh Thọ. Trong vòng 20 ngày tới chúng tôi sẽ có kết luận điều tra, chuyển VKSND tỉnh Nghệ An để sớm truy tố, xét xử nghiêm minh theo quy định” - Đại tá Cầu nói.

CQĐT cũng khẳng định một mình Hai đã giết chết cả bốn người. Cụ thể, trưa 2-7, Hai đến vườn gần lán trại của anh Lo Văn Thọ để hái quả chanh ăn. Sau đó Hai vào lán của gia đình anh Thọ xin muối ăn và mượn dao cắt chanh. Anh Thọ nói với vợ “quả chanh xin làm gì” và hai vợ chồng cãi nhau. Nghe vậy, bà Viêng Thị Dương (mẹ anh Thọ) chửi con rồi bỏ ra phía suối sau lán tắm. Chị Lê Thị Yến (vợ anh Thọ) bồng con là bé Lo Việt Chung (tám tháng tuổi) sang lán trại của người khác chơi.

Giữa Hai và anh Thọ tiếp tục cãi nhau. Sau đó Hai lấy con dao của anh Thọ và chém chết anh Thọ. Chị Yến thấy vậy nên bồng con bỏ chạy. Hai đuổi theo thì gặp bà Dương nên giết chết bà Dương rồi tiếp tục đuổi theo cắt cổ hai mẹ con chị Yến.

Gây án xong, Hai quay lại lán anh Thọ để lấy chanh đã hái và định đốt lán nhưng không được nên bỏ về. Trên đường đi, Hai vứt con dao vào rừng. Con dao này công an đã thu được. “Vậy nhưng sau khi bị bắt giữ, khi nhắc về vợ con, Hai đã khóc và tỏ ra ân hận” - một cán bộ điều tra thông tin.

Củng cố lời khai, giám định vật chứng

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu không phủ nhận cũng không khẳng định về thông tin có ba đứa trẻ cung cấp nguồn tin. “Sau khi nhận được thông tin vụ án, chúng tôi đến hiện trường, thu thập thông tin, sử dụng các biện pháp, phân vùng, dựng lại hiện trường. Chúng tôi không cung cấp về thông tin những người cung cấp thông tin cho CQĐT để bảo vệ nhân chứng. Từ các dấu vết, chứng cứ, nhân chứng và lời khai của Hai, đến giờ chúng tôi khẳng định đã bắt đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, để đảm bảo thận trọng, chính xác và khách quan chúng tôi tiếp tục củng cố lời khai, chứng cứ và sẽ giám định tất cả đồ vật. Việc này nhằm không làm oan người ngay, không để lọt tội phạm” - Đại tá Cầu nói.

Đại tá Cầu nói vụ án xảy ra ở vùng sâu vùng xa, biên giới. Từ thị trấn Tương Dương đi ô tô vào xã mất khoảng 90 phút. Sau đó từ bản Phồng đi bộ vào hiện trường mất hơn một giờ nữa. Ở khu vực này khe sâu, có khi buổi trưa cán bộ điều tra không ăn và buổi tối mới dùng lương khô, mì tôm và uống nước suối. “Vất vả này là vấn đề nhỏ nhưng khó khăn nhất là nghe tiếng để thu thập tài liệu. Chúng tôi không biết tiếng dân tộc Tày Poọng. Nhiều người dân tộc Thái, Tày và Mông cũng không biết tiếng Tày Poọng. Chúng tôi nói thì họ nghe được nhưng họ nói thì chúng tôi không hiểu. Cho nên chúng tôi phải huy động rất nhiều người dân bản địa, huy động rất nhiều kênh để thu thập được thông tin và hiểu được họ nói gì”.

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về việc cơ quan công an đã vận động Hai đầu thú hay công an bắt giam, các vật chứng, dụng cụ Hai dùng gây án đã có kết quả giám định chưa, Đại tá Cầu cho biết: “Hai không đầu thú. Chúng tôi bắt Hai tại bản Phồng và áp giải ra Công an huyện Tương Dương. Sắp tới, công an tỉnh sẽ chuyển toàn bộ vật chứng đến Viện Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) để giám định”.

Chiều 22-7, UBND tỉnh Nghệ An đã trao thưởng chiến công đặc biệt xuất sắc cho các thành viên đã khám phá thành công chuyên án giết bốn người nêu trên.

Ban tổ chức đã công bố thư khen của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thư khen của Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc cùng các quyết định khen thưởng của Bộ Công an, UBND tỉnh Nghệ An, công an tỉnh cho các đơn vị tham gia phá án.

Theo đó, Bộ Công an khen thưởng mỗi đơn vị tham gia phá án 10 triệu đồng. UBND tỉnh khen thưởng 100 triệu đồng cho các đơn vị thuộc Bộ Công an, 100 triệu đồng cho các đơn vị công an tỉnh, 50 triệu đồng cho Đồn biên phòng Tam Hợp (Tương Dương). Ngoài ra, Công an tỉnh Nghệ An khen thưởng cho mỗi đơn vị chuyên môn tham gia phá án 10 triệu đồng.

Vụ thảm sát ở Nghệ An: Mâu thuẫn bột phát, dùng dao giết người ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, trao thưởng cho công an tỉnh đã phá thành công chuyên án. Ảnh: ĐẮC LAM

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các đơn vị phá án

Chiều 22-7, một lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản biểu dương cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An, tổ công tác của Bộ Công an, VKSND tỉnh Nghệ An và Đồn biên phòng Tam Hợp (huyện Tương Dương) do đã khẩn trương điều tra làm rõ, bắt giữ đối tượng gây án trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Nghệ An.

Trong văn bản, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng banChỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), đề nghị Bộ Công an, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo điều tra làm rõ vụ án và sớm đưa đối tượng ra xét xử nghiêm minh đúng pháp luật.

NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm