Vượt qua COVID-19, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

(PLO) Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hải Phòng, Đồng Tháp ganh đua thứ hạng nhì, ba với điểm số sát nút, thể hiện nỗ lực của tỉnh nhà vượt qua khó khăn do COVID-19 gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 27-4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố kết quả điều tra, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021).

Cuộc khảo sát lần này được thực hiện đúng giai đoạn đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời bộc lộ mọi khía cạnh mạnh, yếu của hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương.

Dữ liệu thu được từ phiếu thăm dò đến phỏng vấn, tiếp xúc trực tiếp 11.312 doanh nghiệp. Trong đó gồm 10.127 doanh nghiệp tư nhân tại 63 tỉnh và 1.185 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 22 địa phương đã hé lộ quan điểm của cộng đồng kinh doanh Việt Nam.

Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh PCI 2021 cho thấy thứ hạng 63 tỉnh thành dưới quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Trúc.

Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh PCI 2021 cho thấy thứ hạng 63 tỉnh thành dưới quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Trúc.

Hà Nội trong top 10, TP.HCM ở vị trí 14

Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI với số điểm đánh giá 73,02 điểm. Thành phố cảng Hải Phòng và Đồng Tháp giữ vị trí thứ hai và ba với số điểm sít sao 70,61 và 70,53 điểm.

Cùng với ba tỉnh dẫn đầu, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong bảng xếp hạng PCI 2021.

Đây cũng là những địa phương có những chuyển biến rất tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, theo đánh giá cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Nối tiếp năm tỉnh trên là Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nội, tạo thành top 10 tỉnh đứng đầu trong bảng xếp hạng 63 tỉnh thành về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.

Ba tỉnh đội sổ là Kon Tum, Hòa Bình, Cao Bằng; TP.HCM – đầu tàu kinh tế phía Nam nhưng chỉ được xếp hạng thứ 14 trong bảng tổng sắp.

"Củi lửa" đang phát huy tác động hiệu quả

PCI 2021 cho thấy những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Chẳng hạn, gánh nặng thanh, kiểm tra đã giảm, cùng với những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực. Gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm, chất lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng có những cải thiện tương đối rõ rệt. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác động hiệu quả.

Đặc biệt, bên cạnh việc đánh giá chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại các địa phương, PCI 2021 còn đi sâu tìm hiểu về những thách thức mà các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI phải đối mặt; cách thức ứng phó đối với dịch bệnh COVID-19 cũng như đánh giá về các biện pháp phòng chống dịch do các địa phương triển khai.

PCI 2021 còn chỉ ra những vấn đề cần cải thiện, cho thấy các chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch cần được thiết kế sát với nhu cầu và khả năng phát triển của từng nhóm doanh nghiệp mới có thể phát huy hiệu quả kỳ vọng.

Báo cáo PCI 2020 là ấn phẩm thường niên năm thứ 17 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam thông qua 10 chỉ số thành phần gồm: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm