Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các nước nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 31-8, bà Soumya Swaminathan - Trưởng nhóm chuyên gia khoa học của WHO - nói rằng các quốc gia có quyền cấp phép một số loại dược phẩm dù chưa hoàn tất quá trình thử nghiệm.
Tuy nhiên, quyết định cấp giấy chứng nhận khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 "không phải việc có thể được đưa ra một cách thiếu cẩn trọng" mà đòi hỏi "sự nghiêm túc lớn và sự cân nhắc kỹ lưỡng".
Bà Soumya Swaminathan - Trưởng nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới. Ảnh: REUTERS
Bà Swaminathan nhắc lại rằng cách tiếp cận mà WHO ưu tiên áp dụng là dựa trên những thông tin đầy đủ về quá trình thử nghiệm. Dựa vào đó, WHO mới xem xét tính hiệu quả và an toàn của từng loại vaccine trong từng trường hợp cụ thể.
Lời nhắc nhở của WHO được đưa ra sau khi Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho biết sẽ sẵn sàng bỏ qua quy trình cấp phép thông thường nếu giới chức Mỹ nhận thấy lợi ích là vượt trội so với mức độ rủi ro.
Trước đó, Nga đã cấp phép cho một loại vaccine ngừa COVID-19 do các nhà khoa học nước này phát triển dù quá trình thử nghiệm còn chưa kết thúc.
Cũng trong ngày 31-8, Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) - tuyên bố sẽ đóng góp 400 triệu euro (khoảng 478 triệu USD) cho chương trình COVAX về phát triển vaccine ngừa COVID-19 mà WHO tham gia điều phối.
Thông báo của Ủy ban châu Âu cho biết "các điều khoản và điều kiện chi tiết về sự tham gia và đóng góp của EU sẽ được công bố trong những ngày hoặc những tuần tới". Tuy nhiên, EU không nói rõ các quốc gia thành viên của khối này có mua vaccine theo chương trình COVAX hay không.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Gheybreyesus cho biết trong ngày 31-8, Đức đã tham gia COVAX. WHO đang tiếp tục đàm phán với các nước châu Âu còn lại về việc tham gia đầy đủ vào chương trình COVAX.
Ông Tedros cho biết các quốc gia châu Âu có thể tham gia COVAX một cách độc lập hoặc WHO cũng có thể coi EU là một thực thể thống nhất trong chương trình này.
EU đang đàm phán riêng với một số công ty dược phẩm để mua vaccine ngừa COVID-19 cho các công dân châu Âu. Đồng thời, châu Âu cũng cam kết hỗ trợ tài chính để các nước đang phát triển mua vaccine thông qua chương trình riêng này.
Dù vậy, nhiều chuyên gia quốc tế chỉ trích EU đang mong muốn thiết lập một chương trình vaccine độc quyền và điều này đe dọa sáng kiến COVAX của WHO.
Ít nhất 172 quốc gia, bao gồm 92 nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, đã đăng ký tham gia COVAX. Theo kế hoạch, một cam kết cụ thể sẽ được ký kết trước ngày 18-9.