2 con rắn khủng 60 kg là loài rắn gì?

Chiều ngày 15-5, trao đổi với phóng viên PLO, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Quang Tùng cho biết: “Báo chí gọi cặp rắn ở An Giang là rắn hổ mây là chưa đúng, bởi rắn hổ mây không thể to được như vậy. Với kích thước và khối lượng mỗi con khoảng 30kg thì đây là loài rắn hổ mang chúa”.
Theo Nghị định 06/2019 (về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), rắn hổ mang chúa thuộc nhóm 1B (động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).

Đây là loài rắn hổ mang chúa đang bị đe doạ tuyệt chủng. Ảh:T.VŨ

Hiện Chi cục kiểm lâm đã phối hợp với Cảnh sát môi trường xuống làm việc với đơn vị có liên quan để xác định cặp rắn được bắt hợp pháp hay bất hợp pháp, nếu vi phạm các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý. Nhưng nếu cặp rắn này bị bắt ở nơi đã được phê duyệt dự án thì không thể xử lý người bắt chúng.
Cũng theo ông Tùng: “Sau khi tiến hành hết các thủ tục cần thiết, kiểm lâm sẽ tổ chức tịch thu để tiến hành thả cặp rắn về với môi trường tự nhiên. Nếu không xác định được địa điểm thả an toàn, kiểm lâm sẽ chuyển chúng đến trung tâm cứu hộ để nuôi và bảo tồn hoặc chuyển giao cho vườn thú của nhà nước nuôi. Trường hợp cặp rắn này đang bị bệnh dịch thì phải tổ chức tiêu huỷ”.
Cạnh đó, Kỹ sư chăn nuôi thú y Bùi Hồng Thuỵ (Giám đốc công ty cổ phần dịch vụ vườn thú Đông Dương) cũng nhận định như ông Đỗ Quang Tùng rằng rắn hổ mây với rắn hổ mang chúa hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, rắn hổ mây: là loài thông thường, không độc, hiền lành, chủ yếu ăn chim, chuột. Kích thước tối 4-5 m, cân nặng khoảng trên 10kg.
Trong khi đó, rắn hổ mang chúa: thuộc loài quý hiếm, cực độc, ăn các loài rắn khác, nếu đói quá thì chúng sẽ ăn con cùng loại bé hơn chúng. Kích thước dài 6-7m, nặng đến 35kg, sống chủ yếu ở rừng núi sâu.
“Do là loài quý hiếm và cặp rắn này đang “nổi tiếng” nên nếu thả về tự nhiên thì khả năng bị tái bắt trở lại rất cao. Theo tôi cách tốt nhất là nên đưa chúng về vườn thú hoặc khu bảo tồn để chúng tiếp tục sinh đẻ và còn nhằm giáo dục cho cộng đồng biết về loài rắn hổ mang này”, kỹ sư Bùi Hồng Thuỵ nói.
Như PLO phản ánh ở các bản tin trước, ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết khoảng 2 tuần nay, các công nhân và kỹ sư người Ấn Độ tham gia lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời dưới chân Núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang, đã phát hiện và bắt được cả ổ, gồm rắn đực, rắn cái và một số rắn con. Trong đó có hai con mỗi con nặng khoảng 30kg. Nhiều người cho rằng đây là rắn hổ mây.
Ngay sau khi nhận được thông tin, ông Thành đã yêu cầu đem toàn bộ số rắn bắt được về Khu du lịch Tức Dụp, xã An Tức, huyện Tri Tôn để phục vụ du khách tham quan, thưởng ngoạn ở vườn thú.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm