Ngày 5-6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lần đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về nhiều vấn đề của ngành lao động. Trong đó, nhiều ĐB truy các cơ quan quản lý nhà nước về tình trạng xâm hại trẻ, đặc biệt là xâm hại tình dục.
Chỉ khi trẻ tự tử mới khởi tố!
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) dẫn chứng trường hợp bé gái ở Cà Mau tố cáo hành vi bị xâm hại. “Lúc cháu nói không nghe, chỉ khi cháu tự tử mới khởi tố vụ án. Lúc đó chúng ta mới thấy rằng mình sai lầm” - ông Nhưỡng nói và cho rằng có 17 cơ quan phụ trách các vấn đề liên quan đến trẻ em nhưng dường như các gia đình nạn nhân rất đơn độc. “Tôi mong muốn Bộ LĐ-TB&XH có một thái độ cương quyết hơn nữa để cùng các cơ quan khác vào cuộc…” - vị ĐB nói.
“Nếu nói hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho các em thì cơ bản là đồng bộ” - Bộ trưởng Dung trả lời và thừa nhận thời gian qua có một số vụ việc để kéo dài, thậm chí xử lý chưa nghiêm, nhiều vụ khi có ý kiến của các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước rồi mới tiến hành. “Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành và cơ quan chức năng đánh giá thực chất lại hoạt động của mình thế nào” - ông Dung nói.
Về việc ĐB yêu cầu ngành lao động lên tiếng mạnh hơn, ông Dung khẳng định hầu như các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, Bộ đều chủ động có ý kiến. “Nhiều vụ tôi đã trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước, chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ” - Bộ trưởng Dung nói và dẫn chứng vụ Nguyễn Khắc Thủy, kết thúc phiên tòa sơ thẩm buổi sáng, ngay buổi chiều ông đã gọi điện thoại trao đổi trực tiếp với chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao.
“Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi không đồng tình với kết quả này và đề nghị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Hai đồng chí lãnh đạo đã chấp nhận ý kiến của tôi” - ông Dung cho biết. “Hay vụ án Minh Béo, sau khi bị xử, về nước vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật liên quan đến trẻ em. Cá nhân tôi và Bộ đã có ý kiến và được chấp nhận. Không phải là Bộ không lên tiếng mà tùy từng vụ, chúng tôi lên báo chí nói, có vụ báo cáo cấp cao, có vụ trực tiếp trao đổi với địa phương” - ông Dung nói.
Chỉ khi Chủ tịch nước có ý kiến, dư luận lên án gay gắt thì cơ quan tố tụng mới tích cực xử lý vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô. Ảnh: MINH ANH
Cán bộ cấp cao lên tiếng mới vào cuộc tích cực
“Chia lửa” với ông Đào Ngọc Dung, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói xâm phạm tình dục trẻ em là vấn đề gây bức xúc. Sáu tháng đầu năm 2018, VKS đã truy tố 753 vụ với 805 bị can, đưa ra xét xử 648 vụ, 690 bị can.
Theo ông Trí, để giải quyết vấn đề phải đồng bộ, từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường phối hợp của các cơ quan có liên quan, công tác tuyên truyền giáo dục để bảo đảm giáo dục kỹ năng cho các em. “Đặc biệt, khi phát hiện phải xử lý nghiêm để răn đe giáo dục chung” - ông Trí nói. Ông Trí cũng cho hay Luật Trẻ em, BLHS, BLTTHS, kể cả BLDS đều có quy định về bảo vệ quyền trẻ em. Nhưng pháp luật hoàn thiện rồi vẫn đòi hỏi tính thực thi của pháp luật.
Phát biểu ngay sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói: “Mong muốn của ĐB, cử tri là làm sao chúng ta không để xảy ra tình trạng này, để các cơ quan tố tụng “thất nghiệp” thì càng tốt. Tuy nhiên, vụ việc đã xảy ra thì phải làm cho chỉn chu”.
Theo thống kê năm năm (2013-2017), tòa án đã giải quyết hơn 8.000 tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, trong đó tòa đã trả hồ sơ 549 vụ (6%), các vụ xét xử đúng người, đúng tội khoảng 93% (hơn 7.600 vụ). Ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận dù số vụ trả hồ sơ số lượng không nhiều nhưng gây bức xúc trong xã hội. Ông nói loại án này xét xử không khó nhưng lại khó khăn trong điều tra, thu thập chứng cứ. Bởi phần lớn đó là án truy xét, không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện đã lâu, gia đình, nạn nhân ngại khai báo, thậm chí che giấu cơ quan điều tra. Có vụ giám định là yêu cầu bắt buộc nhưng gia đình bị hại lại từ chối giám định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga sau đó giơ biển tranh luận: “Chúng tôi chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ sau phiên chất vấn này tổ chức một hội nghị toàn quốc về chống bạo hành trẻ em. Tôi cũng đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em, có giải trình thêm về việc này” - bà Nga nói.
Về phía các cơ quan tư pháp, bà Nga cho rằng có vấn đề là khó chứng minh nhưng cũng có những vụ không tích cực. “ĐB nêu mấy vụ, như vụ ở Cà Mau, phải có Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, dư luận lên án mới vào cuộc, sau khi cháu bé tự tử. Đối với vụ Nguyễn Khắc Thủy, phải có ý kiến của Chủ tịch nước và dư luận lên án, sau đó cơ quan điều tra mới vào cuộc tích cực và xử lý được. Vậy những vụ dư luận không lên án, cán bộ cấp cao không vào cuộc thì sao?” - bà Nga đặt câu hỏi và đề nghị cơ quan tư pháp phải làm rõ việc này.
Phải có quy trình điều tra, xét xử thân thiện Con số 2.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại một năm, trong đó 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục hằng năm chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm. Chúng ta phải có quy trình điều tra, xét xử thực sự thân thiện để nạn nhân và gia đình dám trình bày, tố cáo. Cạnh đó, phải có quy định để các nhà tâm lý, các nhà hoạt động xã hội được tham gia ngay từ đầu, khi sự việc xảy ra… Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM Kiến nghị quy trình điều tra, xét xử đặc biệt Tình hình xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp. Không chỉ trẻ em gái mà trẻ em trai cũng bị; đối tượng cả người trong nước lẫn nước ngoài, thậm chí người nước ngoài vào lợi dụng quan hệ, nuôi dưỡng, tập hợp trẻ em để xâm hại… Chúng tôi đề nghị với chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đứng ra làm trọng tài với các cơ quan để có một quy trình điều tra, xét xử đặc biệt. Hiện nay giữa cơ quan điều tra Bộ Công an với VKSND Tối cao đã thống nhất quy trình để có hướng dẫn và đang chờ có hội đồng thẩm phán thống nhất đưa ra để Ủy ban Tư pháp có hướng dẫn tạo điều kiện cho công tác điều tra, xét xử những vụ xâm hại tình dục trẻ em hiệu quả, kịp thời hơn… Thượng tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an |