Ngày 17-4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh trên cả nước hướng dẫn tổ chức vận chuyển hành khách giữa các địa phương thuộc nhóm 3.
Không đi qua địa phận các tỉnh thuộc nhóm 1, 2
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chỉ được vận chuyển hành khách liên tỉnh giữa các tỉnh, thành phố thuộc nhóm có nguy cơ ít lây nhiễm COVID-19 (nhóm 3) với nhau. Đồng thời hành trình vận chuyển không được đi qua địa phận các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao (nhóm 1) và nhóm có nguy cơ lây nhiễm (nhóm 2).
“Trường hợp hành trình chạy xe có đi qua địa phận các địa phương thuộc nhóm 1 và 2 thì thông báo yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới của Chính phủ, Bộ GTVT” - Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.
Tổng cục cho biết quy định trên được thực hiện theo Thông báo số 158/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, các xe chở khách liên tỉnh trên phải đáp ứng yêu cầu tại điểm a mục 2 Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Cụ thể, số hành khách trên mỗi xe không được vượt quá 50% sức chứa của xe và tối đa không quá 20 người trên một chuyến xe.
Các doanh nghiệp vận tải cần bố trí hành khách ngồi giãn cách, xen kẽ giữa các hàng ghế. Tài xế, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách phải đeo khẩu trang, được kiểm tra y tế, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định. Xe sau khi đón, trả khách phải khử trùng…
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu bố trí sắp xếp lại biểu đồ chạy xe trên các tuyến cố định liên tỉnh để đảm bảo cắt giảm tối thiểu 50% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe đã được Sở GTVT phê duyệt.
“Bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các phương tiện trên hệ thống thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để kịp thời có những chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có)” - Tổng cục Đường bộ chỉ đạo.
Các địa phương thuộc nhóm ít nguy cơ lây nhiễm được phép lưu thông qua lại với nhau. Ảnh: HOÀNG GIANG
Công tác chuẩn bị tại các địa phương
Sau khi có văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT một số địa phương thuộc nhóm 3 cho hay sẽ quyết liệt triển khai thực hiện nhằm phòng, chống COVID-19 hiệu quả. Điển hình như các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi…
Chiều 17-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định, cho hay tỉnh này cho phép hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh giữa các tỉnh, thành phố thuộc nhóm 3 với nhau từ chiều 17-4.
Ba nhóm theo mức độ nguy cơ lây nhiễm 12 tỉnh, thành nhóm 1 là TP.HCM, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hà Tĩnh. 16 tỉnh, thành thuộc nhóm 2 là Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Hà Giang. Các tỉnh, thành còn lại thuộc nhóm 3. |
Ông Ái cũng khẳng định từ Bình Định chỉ đi được sáu tỉnh cùng nhóm 3 là Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông. Lý do là các xe không được vận chuyển hành khách đi qua các tỉnh thuộc nhóm 1 ở gần Bình Định là Khánh Hòa và Quảng Nam.
Chiều cùng ngày, Sở GTVT tỉnh Phú Yên có công văn hỏa tốc cho phép hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh giữa các tỉnh, thành phố thuộc nhóm 3 với nhau.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Khải, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, cho hay tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo của các cấp. Theo đó, các xe vận chuyển hành khách ở tỉnh này chỉ được đi đến các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông. Theo quy định, các xe ở Phú Yên không được đi qua các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam (nhóm 1).
Ngoài ra, Sở GTVT tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các bến xe khách phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải đang khai thác tại bến. Theo đó, thực hiện bố trí phương tiện điều chỉnh, đảm bảo cắt giảm 50% số chuyến xe theo biểu đồ; mỗi xe vận chuyển không quá 20 người.
Tương tự, cũng trong ngày 17-4, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho hay đã cho phép ô tô hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt, xe đưa đón công nhân được hoạt động trở bình thường.
Đối với hoạt động vận tải đường thủy, sở này cũng cho phép tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, Đảo Lớn - Đảo Bé được hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cán bộ làm việc trên đảo nhưng nghiêm cấm vận chuyển khách du lịch ra đảo.
Bên cạnh đó, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cũng cho phép việc đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ được hoạt động bình thường. Tuy nhiên, không được bố trí tập trung quá 20 người trong một phòng học và phòng sát hạch lý thuyết không tụ tập quá 10 người trở lên.
Hàng không và đường sắt tăng chuyến Đối với ngành đường sắt: Từ ngày 17 đến 22-4, chạy bốn chuyến tàu Thống Nhất chạy tuyến TP.HCM - Hà Nội và ngược lại (tăng hai chuyến so với trước ngày 15-5). Cụ thể, chiều TP.HCM - Hà Nội tàu SE4 xuất phát tại ga Sài Gòn vào 20 giờ 30; tàu SE6 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 8 giờ 45. Chiều Hà Nội - TP.HCM: Tàu SE3 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 19 giờ 25; tàu SE5 xuất phát từ ga Hà Nội lúc 8 giờ 50. Đối với lĩnh vực hàng không nội địa, từ nay đến ngày 22-4, dù các hãng hàng không tăng tần suất bay nhưng cũng chỉ khai thác ba đường bay nội địa. Cụ thể, đường bay Hà Nội - TP.HCM và ngược lại tăng bốn chuyến lên sáu chuyến/ngày, gồm hai chuyến của Vietnam Airlines, hai chuyến của Vietjet, còn lại Bamboo và Jetstar mỗi hãng khai thác một chuyến. Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại tăng từ một chuyến lên hai chuyến/ngày. Trong đó một chuyến của Vietnam Airlines và một chuyến của Vietjet. Đường bay TP.HCM - Đà Nẵng và ngược lại tăng từ một chuyến lên hai chuyến/ngày. Trong đó một chuyến của Vietnam Airlines, một chuyến của Vietjet. PHONG ĐIỀN |