Hiện nay, mã QR đã được tích hợp trên chính những loại giấy tờ quan trọng của người dân như thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe (GPLX) hay CCCD. Đáng chú ý, quyét mã QR trên GPLX có thể phát hiện được bằng lái giả hay không.
Theo Thông tư 38/2020 của Bộ Công an, từ ngày 1-6-2020 sẽ cấp GPLX có mã QR để đọc, giải mã nhanh thông tin và liên kết với hệ thống quản lý GPLX.
Mã này nằm ở mặt sau của GPLX, dùng để tra cứu các thông tin trên GPLX và truy cập vào Cơ sở dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ý nghĩa khác của việc in mã QR vào mặt sau của GPLX chính là giúp phân biệt GPLX thật - giả.
Không phải chỉ có cơ quan có thẩm quyền, mà ngay cả người dân cũng có thể tự quét mã QR này bằng điện thoại thông minh. Thông tin nhận được sẽ là: Họ tên người được cấp; ngày, tháng, năm sinh; hạng GPLX được cấp; đơn vị cấp GPLX.
Đại diện một trung tâm đào tạo, sát hạch GPLX trên địa bàn TP.HCM cho biết: Việc áp dụng in mã QR trên bằng lái có thể hỗ trợ nhiều cho các lực lượng chức năng, đặc biệt đối với CSGT khi kiểm tra thông tin chi tiết về bằng lái của người vi phạm giao thông.
Trước đó, trao đổi với PLO, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM, thông tin: Mã QR in ở góc trái, mặt sau của GPLX. Mã QR được tích hợp có tác dụng đọc, giải mã nhanh thông tin được in trên GPLX và liên kết với hệ thống thông tin quản lý. Đó là lý do mã QR có thể hỗ trợ công tác quản lý của lực lượng chức năng nói chung.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Phòng quản lý sát hạch và cấp GPLX đã phát hiện 221 GPLX không do Sở GTVT TP.HCM quản lý và cập nhật 932 thông tin vi phạm của người lái xe vào hệ thống thông tin GPLX. Đặc biệt, phòng đã thu hồi 62 GPLX, trong đó có 2 GPLX khác nhau, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp để cấp đổi GPLX. |