Nguyễn Thị Ngọc Hường ba tháng 29 ngày tù (bằng thời gian tạm giam), Phạm Nhựt Chánh năm tháng 25 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội bắt người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS. Hai bị cáo Hường và Chánh được trả tự do ngay tại tòa.
Theo hồ sơ, gia đình bị cáo Năm rất nghèo, hằng ngày đi làm mướn và bán vé số dạo mưu sinh. Gần tết Nguyên đán 2011, con gái út của Năm bỗng dưng có những biểu hiện lạ, đêm không ngủ, hay nói nhảm. Năm lấy tiền tích cóp ăn tết đi mua thuốc về cho con uống nhưng không khỏi. Nghe nhiều người đồn Lê Thị Thu là bà đồng có thể chữa “bá bệnh” bằng cách cầu nguyện, ngày 6-2, Năm cùng Hường (con gái lớn) đã dẫn con gái út đến nhà Thu chữa bệnh.
Hôm sau, con gái út của Năm nổi cơn chửi bới, đập phá đồ đạc trong nhà Thu rồi bỏ chạy ra sân. Thấy vậy Năm và Hường ôm vật nạn nhân xuống đất. Nạn nhân vùng vẫy dữ quá, họ liền nhờ Chánh (chồng Thu) phụ giúp. Chánh phụ giúp họ khống chế nạn nhân và dùng dây xích chó xích chân vào cột nhà. Đến khoảng 12 giờ ngày 8-2, Thu mở dây cho nạn nhân đi vệ sinh, nạn nhân chạy ra đường kêu cứu, bị Hường cùng Chánh đuổi theo bắt giữ, nắm sợi xích dẫn về. Người dân thấy thế báo công an đến giải thoát cho nạn nhân.
Theo biên bản giám định pháp y tâm thần, nạn nhân đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Ngày 30-3, Công an huyện Cai Lậy đã khởi tố Năm, Hường, Chánh. Riêng đối với Thu, cơ quan điều tra không xử lý vì cho rằng Thu không tham gia vào việc bắt trói nạn nhân.
Phiên tòa xét xử ba bị cáo đã thu hút hàng trăm người dân địa phương đến theo dõi. Trước vành móng ngựa, hai bị cáo Năm và Hường đều sợ hãi, luôn sụt sùi khóc lóc, khai rằng thấy con em có biểu hiện bị tâm thần nên mới làm thế để giữ lại ở nhà Thu chữa bệnh. Còn nạn nhân cũng cho rằng việc làm của mẹ và chị đối với mình chỉ xuất phát từ tình yêu thương chứ không có mục đích gì khác nên đề nghị tòa tha tội cho họ.
Theo tòa, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền tự do về thân thể của công dân được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, đối với Năm và Hường, do học vấn thấp nên các bị cáo hạn chế về mặt nhận thức, động cơ phạm tội không vì mục đích xấu, chỉ xuất phát từ tình thương dành cho con em mình. Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình họ hết sức khó khăn, tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận. Còn Chánh, bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội do sự rủ rê của Năm và Hường nên cũng được xem xét giảm nhẹ.
Sau phiên xử, cũng có người băn khoăn rằng hành vi của ba bị cáo đúng là đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc xử lý hình sự có quá nặng tay? Nên chăng cơ quan tố tụng vận dụng khoản 4 Điều 8 BLHS (những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác) sẽ hợp tình hợp lý hơn.
CÔNG LUẬN