Năm 1996, cầu bê tông bắc qua thôn Thạnh Đức 2 dài 500 m, rộng 5 m được Nhà nước đầu xây dựng là lối đi về của trên 3.000 dân. Sau 18 năm sử dụng, chiếc cầu giờ đã xuống cấp nặng. Mặt cầu đầy những ổ gà, nhịp nối có chỗ bung ra lòi cả thanh sắt.
Ông Nguyễn Hiệp (68 tuổi, cựu chiến binh) ở thôn Thạnh Đức 2 múc từng bay xi măng trám mặt cầu loang lổ, nói: “Nhà nước chưa cấp tiền xây cầu mới thì mình vá víu để bà con đi lại chứ tết sắp về, nhỡ có người đi qua cầu té hoặc giẫm phải sợi thép lòi ra thì khổ”.
Ông Hiệp cho hay chiếc cầu ngày một xuống cấp từ ba năm nay, bà con kiến nghị cấp trên nhưng chờ mãi chẳng thấy động tĩnh gì.
Ông Nguyễn Hiệp cùng ông Võ Gần nhiều năm bỏ công sức lấp ổ gà trên cầu Thạnh Đức 2. Ảnh: VÕ QUÝ(phải)
Ông Hiệp nhiều lần chở xi măng, cát, sạn… lên vá các ổ gà trên mặt cầu nhưng cầu hư nhiều chỗ quá nên vá chẳng được bao nhiêu. Cũng có lần ông Hiệp qua chùa Từ Phước nhờ sư trụ trì giúp đỡ chuyện sửa cầu. Nhà sư già đã đạp xe sang xem tận mắt chiếc cầu bị hư hỏng, rồi về mở hòm công đức mua tặng mấy xe cát và vài bao xi măng. Rồi ông Hiệp lại kéo xe cút kít chở xi măng, cát, sạn lên cầu.
Ông Võ Gần, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thôn Thạnh Đức 2, thấy ông Hiệp ngồi vá cầu một mình quá vất vả nên cũng đi theo ông Hiệp làm việc nghĩa.
Mở quyển sổ nhàu nát ra, ông Hiệp kể về danh sách đóng góp của từng người dân: “Ông Phan Muôn góp 100.000 đồng và cùng tham gia công việc trám ổ gà. Còn đây là anh Nguyễn Xuân Diện bị tật nguyền làm nghề hớt tóc cũng góp vài trăm ngàn để mua vật liệu. Anh Nguyễn Phước ngày ngày ra khơi đánh cá, cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau nhưng cũng chung tay đóng góp. Nhà bà Nguyễn Thị Liệu cũng thuộc hộ nghèo neo đơn “mấy lần xin góp mà các chú cứ từ chối” bèn chờ hôm mọi người đang sửa cầu, mua mấy chai nước ngọt mang ra tận cầu: “Nè các chú uống cho mát mà vá chiếc cầu cho ngon”... Thấy mọi người nhiệt tình quá, ông Nguyễn Chu ở thôn La Vân đối diện với thôn Thạnh Đức 2 cũng mang chiếc bay sang góp công, bởi “thi thoảng tui cũng qua cầu thăm con cháu”.
Người có tiền góp tiền, người có công góp công. Số tiền đóng góp được thông qua chính quyền thôn, xã rồi mới tiến hành trang trải cho việc sửa cầu.
Mặt cầu Thạnh Đức như chiếc áo rách tươm đã được vá lại. Lũ trẻ bên này thôn vượt cầu qua khu vực trung tâm xã để học nay không còn “sợ nhất là ổ gà” nữa. Các mẹ, các chị quang gánh đi chợ mua mớ rau, con cá không còn lo bước thấp bước cao.
Ông Nguyễn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cho biết xã cũng đã đề xuất huyện xây dựng mới chiếc cầu từ năm 2013 với vốn đầu tư khoảng 2,3 tỉ đồng nhưng chưa có kinh phí nên phải chờ đến năm 2014.
VÕ QUÝ