Ngày 7-5, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo tất cả "các mối quan hệ" giữa Venezuela và Mỹ đã bị cắt đứt sau vụ đột kích bất thành hôm 3-5, hãng tin Sputnik cho hay.
Sau khi ngăn chặn thành công âm mưu đột kích ở TP La Guaira (bang Vargas, miền bắc Venezuela), lực lượng vũ trang Venezuela đã bắt giữ 13 người, trong đó có hai cựu binh Mỹ.
Chính quyền Caracas cáo buộc Mỹ và Colombia đứng đằng sau âm mưu đảo chính này, song cả hai nước này đều phủ nhận mọi liên hệ tới vụ việc.
Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro tổ chức họp trực tuyến ngày 6-5. Ảnh: REUTERS
Ông Maduro cho biết phía Mỹ đã không trả lời các cuộc gọi của chính quyền Venezuela. Ông nhấn mạnh "mỗi (cuộc gọi trên) WhatsApp, mỗi cuộc gọi điện thoại, họ đều im lặng".
"Chúng tôi từng có ba kênh liên lạc khác nhau với ba quan chức khác nhau của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, chúng tôi đã gửi tin nhắn cho họ nhưng không nhận được phản hồi" - ông Maduro nói với phóng viên người Uruguay, ông Jorge Gestoso.
Cựu binh Mỹ công bố hợp đồng tổ chức vụ đột kích
Tối 7-5 (theo giờ Caracas), đài truyền hình Venezuela tiếp tục phát đoạn video ghi lại lời khai của cựu binh Airan Berry - công dân Mỹ thứ hai bị Venezuela bắt giữ. Người này thừa nhận nhận thức được việc làm của mình là bất hợp pháp.
Người này khai nhận nhiệm vụ của ông trong cuộc đột kích là "tư vấn cho các lực lượng di chuyển và tìm đường đến sân bay nhanh nhất có thể".
Trong video, Berry còn đưa ra tài liệu mà ông mô tả là hợp đồng chi tiết hoạt động xâm nhập và đột kích này. Hợp đồng này được ông Jordan Goudreau (công dân Mỹ, đang ở Mỹ và là người thừa nhận tổ chức vụ tấn công) đăng cách đây vài ngày.
Cựu binh Mỹ Airan Berry khai nhận hành vi của mình và công bố bản hợp động tổ chức vụ đột kích. Ảnh: TWITTER
Theo Berry, hợp đồng "nêu rõ trách nhiệm của công ty Silvercorp của ông Goudreau và được ông Juan Guaido ("tổng thống lâm thời" tự xưng của Venezuela - PV), ông Goudreau và ông Juan Rendon (cố vấn của ông Guaido - PV) ký kết".
Trước đó, trong một đoạn video phát hôm 6-5, cựu binh Luke Denman (công dân Mỹ 34 tuổi đến từ bang Texas) khai rằng mình ký hợp đồng với một công ty có trụ sở tại bang Florida để huấn luyện quân nổi dậy và thực hiện vụ đột kích tấn công Venezuela với số tiền 100.000 USD, theo hãng tin AP.
Các đảng phái Venezuela nói gì về vụ đột kích?
Cũng trong ngày 7-5, báo The Washington Post công bố một tập tài liệu dày 42 trang, được cho là hợp đồng giữa ông Guaido và ông Goudreau.
Tài liệu ghi rõ "bên cung cấp dịch vụ (của ông Goudreau - PV) sẽ tư vấn và hỗ trợ bên đối tác (của ông Guaido - PV) trong việc lên kế hoạch, thực hiện và hành động để bắt/giam giữ/giết ông Maduro, xóa bỏ chế độ hiện tại và làm lễ nhậm chức cho ông Guaido".
Bình luận về tập tài liệu này, ông Rendon nói với hãng tin Reuters rằng ông đã từng thương lượng với Công ty Silvercorp nhưng đã cắt đứt quan hệ với công ty này từ tháng 11 năm ngoái. Ông Rendon nói rằng ông Goudreau đã hành động "một mình".
Ông Juan Guaido (phải) và ông Juan Rendon (trái). Ảnh: TELESUR
Trong ngày 7-5, hai đảng đối lập chính ở Venezuela là đảng Công lý trước tiên và đảng Nguyện vọng nhân dân tuyên bố "các lực lượng dân chủ không khuyến khích và tài trợ cho quân du kích, sự bùng phát bạo lực hay các nhóm bán vũ trang".
Hai đảng này cũng nhắc lại lời kêu gọi xây dựng chính phủ chuyển tiếp ở Venezuela.
Logo của sáu đảng khác ở Venezuela, bao gồm đảng Hành động dân chủ và đảng Kỷ nguyên mới - hai đảng có đại biểu trong Quốc hội Venezuela - cũng xuất hiện trong bản hợp đồng, theo Reuters.
Công ty Silvercorp chưa có bình luận về tập tài liệu của The Washington Post.
Trong khi đó, nhà báo Erika Ortega Sanoja, một phóng viên của đài truyền hình RT ở Venezuela và cũng đưa tin về vụ đột kích, cho biết cô đã bị Silvercorp gửi tin nhắn đe dọa vì đưa tin về vụ việc.