Xung đột Biển Đỏ chưa có lối thoát

(PLO)- Mỹ và đồng minh tiếp tục các hoạt động bảo vệ quân sự ở Biển Đỏ trong bối cảnh Houthis vẫn không ngưng việc tập kích tàu thuyền quốc tế đi qua khu vực này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 10-1 đã thông qua nghị quyết yêu cầu lực lượng Houthis ở Yemen chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ. Nghị quyết được thông qua với 11 phiếu thuận, không có phiếu chống, bốn phiếu trắng của Nga, Trung Quốc, Mozambique và Algeria.

Nội dung của nghị quyết nêu rõ Hội đồng Bảo an lên án hàng loạt cuộc tấn công của các chiến binh Houthis ở ngoài khơi bờ biển Yemen làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại hàng hải quốc tế đi qua Biển Đỏ trong bối cảnh tình hình xung đột ở Gaza vẫn chưa tìm được giải pháp, theo hãng tin Reuters.

Liên minh hàng hải phương Tây tiếp tục hoạt động

Nghị quyết này có một nội dung quan trọng do Mỹ và Nhật Bản bảo trợ, khẳng định rằng các thành viên Liên hợp quốc có quyền “bảo vệ tàu của quốc gia trước các cuộc tấn công, bao gồm những hành vi làm suy yếu các quyền tự do hàng hải”.

Giới quan sát cho rằng nội dung này có thể xem là đã cung cấp cơ sở pháp lý đối với liên minh quân sự hàng hải “Chiến dịch người bảo vệ thịnh vượng” do Mỹ dẫn đầu, đang bảo vệ các tàu thương mại ở Biển Đỏ và vịnh Aden trước các cuộc tập kích của lực lượng Houthis trong nhiều tháng qua.

Chuyên gia Farzin Nadimi tại Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ) nhận định rằng lực lượng Houthis có thể đang thận trọng và “chưa tung hết sức” trong các cuộc tập kích ở Biển Đỏ. Điều này có thể thay đổi trong thời gian tới nếu nhóm vũ trang này thực sự muốn gây thiệt hại đáng kể.

“Mối đe dọa đối với quyền hàng hải và tự do ở Biển Đỏ là thách thức toàn cầu, đòi hỏi phải có phản ứng toàn cầu. Hội đồng Bảo an ủng hộ quyền tự do hàng hải ở Biển Đỏ, tàu bè đi qua khu vực này không thể bị cản trở” - Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu khi kêu gọi hội đồng phê chuẩn nghị quyết.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần này cũng đã cảnh báo lực lượng Houthis sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục các đợt tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Grant Shapps cũng đã đưa ra một thông điệp tương tự, khẳng định Anh sẽ không để tình hình kéo dài và sẽ phối hợp với Mỹ để tuần tra.

Ngày 10-1, quân đội Mỹ cho biết họ đã bắn hạ 21 tên lửa và máy bay không người lái của Houthis tham gia một “cuộc tấn công phức tạp” vào các tuyến đường vận chuyển phía nam Biển Đỏ. Anh, nước hợp tác với Mỹ để ngăn chặn cuộc tấn công của Houthis, cho biết đây là cuộc tấn công lớn nhất trong khu vực cho đến nay.

Biển Đỏ-tau-khu-truc-uss-laboon-thuoc-hai-quan-my-di-qua-kenh-dao-suez-hoi-thang-1.jpg
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Laboon (DDG-58) lớp Arleigh Burke thuộc Hải quân Mỹ đi qua kênh đào Suez hồi tháng 1. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tình hình ngày càng căng thẳng ở Biển Đỏ

GS Scott Romaniuk tại ĐH South Wales (Anh) nhận định: Với cuộc xung đột ở Dải Gaza sắp bước sang ngày thứ 100, các cuộc tấn công của Houthis vào các tàu ở Biển Đỏ nhấn mạnh tính chất phức tạp của cuộc xung đột này và sự cần thiết phải ngăn chặn nó một cách nhanh chóng, tránh để xung đột leo thang và kéo cả Trung Đông vào cuộc xung đột lớn hơn.

Các cuộc tấn công của Houthis cũng cho thấy tính chất phức tạp khi các thế lực bên ngoài khu vực như Mỹ can thiệp vào Trung Đông, đơn phương ủng hộ Israel mà không lường trước phản ứng của những chủ thể liên quan.

Bất ổn an ninh trên Biển Đỏ đang gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các cuộc tấn công liên tiếp của Houthis nhằm vào tàu hàng di chuyển trên Biển Đỏ từ tháng 11-2023 đến nay đã làm gián đoạn hàng loạt hoạt động vận tải quốc tế.

Nhiều hãng vận tải biển buộc phải điều chỉnh lịch trình hoặc tạm dừng vận chuyển qua tuyến đường dẫn đến kênh đào Suez. Mới đây nhất, hai tập đoàn vận tải hàng đầu thế giới là Maersk của Đan Mạch và Hapag-Lloyd của Đức thông báo sẽ chuyển hướng tất cả tàu hàng theo lộ trình vòng qua châu Phi, thay vì sử dụng tuyến đường đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez, do rủi ro an ninh trên Biển Đỏ tiếp tục ở mức cao, đài CNN cho biết.•

Sức mạnh của Houthis tới đâu?

Houthis, lực lượng được Iran hậu thuẫn, hiện kiểm soát khu vực phía Bắc Yemen, đã tuyên bố tấn công các tàu liên quan đến Israel hoặc đến các cảng của Israel nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Hamas. Tuy nhiên, nhiều tàu bị nhắm mục tiêu lại không có liên hệ với Israel mà là tàu thương mại của các quốc gia khác.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), mối đe dọa của Houthis ở Biển Đỏ không ngừng tăng lên, bởi lực lượng này sở hữu kho vũ khí đa dạng gồm tên lửa, máy bay không người lái (UAV) và thủy lôi, phần lớn được Iran cung cấp. Houthis sở hữu nhiều mẫu UAV tầm xa mang đầu đạn nặng hàng chục ký, trong đó ít nhất hai loại có thể vươn tới Israel - quốc gia cách Yemen ít nhất 1.600 km.

Dù vậy, một số nhà phân tích nhận định Houthis chưa thể tập kích tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ, do các tàu này được trang bị nhiều khí tài phòng thủ hiện đại như radar, tên lửa phòng không và vũ khí đánh chặn tầm gần. Đến nay, các vụ tập kích của Houthis ở Biển Đỏ chưa gây ra thiệt hại cho tàu Mỹ.

Chuyên gia Bradley Martin tại Viện Nghiên cứu RAND (Mỹ) cho rằng hải quân nước này có thể “đối phó hiệu quả với bất kỳ thứ gì Houthis phóng tới” nếu không bị tấn công bất ngờ. Dù vậy, ông Martin cho rằng các đòn tập kích của Houthis là “mối đe dọa đáng kể” đối với tàu hàng quốc tế di chuyển qua Biển Đỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm