Thông tư xác định ngân sách sẽ chi trả hoàn toàn cho các chuyến bay chuyên cơ phục vụ công tác của lãnh đạo cấp cao.
Chuyện này dĩ nhiên là cần thiết bởi các cuộc công cán của lãnh đạo đều vì lợi ích quốc gia nên ngân sách cấp “công tác phí” là điều bình thường. Song không bình thường ở chỗ là việc Bộ Tài chính đưa thêm nhóm doanh nghiệp đi theo tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng hay đơn giản là tham quan xứ người… vào diện được miễn vé máy bay!
Tại cuộc hội thảo về đề tài ba năm Việt Nam gia nhập WTO diễn ra ở Hà Nội hôm qua, nhiều đại biểu đã thống nhất rằng Việt Nam mất đến 11 năm đàm phán gia nhập WTO, trong khi việc chuẩn bị tăng nội lực trong nước lại chưa được làm ráo riết. Do vậy, mặc dù đã vào WTO ba năm mà nhiều đại cử tri, nhiều sở, ban ngành và doanh nghiệp vẫn chưa nắm được các cam kết hội nhập. Chính vì nội lực yếu nên cách quản lý, điều hành được ban hành hết sức phi kinh tế. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói thẳng rằng chúng ta buộc phải “lạm dụng công cụ hành chính để bảo vệ sản xuất trong nước” thay vì dùng biện pháp khác.
Trở lại chuyện miễn phí vé máy bay, có thể Bộ Tài chính cho rằng bớt cho doanh nghiệp khoản chi phí nào tốt chừng ấy. Thế nhưng nếu một thành viên WTO mà tạo ra tiền lệ dùng chính sách dựng nên đặc quyền cho một nhóm doanh nghiệp thì các thành viên khác của WTO sẽ nói thế nào?
Trong khi đó, với doanh nghiệp, nhất là những “đại gia” đi theo lãnh đạo thì cái vé máy bay chỉ là “chuyện nhỏ”. Song với người dân thuộc cộng đồng WTO lại là vấn đề lớn, bởi máy bay, lương phi công, xăng… của hãng hàng không quốc gia được chi từ tiền thuế của dân, không thể tài trợ cho hoạt động kinh doanh thuần túy của vài doanh nghiệp. Ở một số nước đã có nhiều gương điển hình về sự chặt chẽ, chi ly trong tiêu chuẩn, định mức chuyên cơ phục vụ lãnh đạo, như trường hợp tổng thống Ba Lan, thủ tướng Singapore… Thậm chí có bộ trưởng còn phải chịu trách nhiệm pháp lý do đã sử dụng vé tàu điện miễn phí cho mục đích riêng.
Những chuyện như vé máy bay còn diễn ra thì không chỉ ba mà nhiều năm nữa chúng ta vẫn phải loay hoay dùng biện pháp phi kinh tế để chống đỡ.
BẰNG LĨNH