Ngày 6-1, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về thực hiện Nghị quyết số 30/2021 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) đã có phát biểu đề cập nhiều vấn đề trong phòng, chống COVID-19.
Nhận định Nghị quyết 30/2021 của Quốc hội thể hiện tầm nhìn, có tác dụng tháo gỡ khó khăn, bảo vệ người sáng tạo, chủ động trong bảo vệ sức khỏe nhân dân, ĐB Lan cho rằng: tổng kết Nghị quyết 30/2021 cần nói xem đã làm được gì, có mâu thuẫn với những gì đang “xử lý” hiện nay hay không. Tổng kết có ghi nhận hết công sức, cố gắng, nỗ lực của ngành y tế và hệ thống chính trị hay chưa.
“Chúng ta cũng phải xem lại trong các bài học kinh nghiệm chính là việc tiếp thu các ý kiến phản biện. Đa số chúng ta sẽ thích nghe những báo cáo xuôi chiều, không thích nghe ý kiến phản biện”, ĐB Lan nói.
Theo bà, lúc chưa có vaccine… thì cẩn thận là tốt, nhưng sau đó việc giãn cách, cách ly đã gây thiệt hại rất lớn. Cũng có nhiều ý kiến phản biện vấn đề này, đồng thời các nhà chuyên môn có lẽ cũng không đủ dũng cảm để nói thật về việc cần phải chuyển đổi cách thức chống dịch.
“Sau này nói sao chả dễ vì thực tế đã chứng minh rồi”, ĐB Lan nói.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại tổ sáng 6-1 về tổng kết Nghị quyết 30/2021. Ảnh: QUANG PHÚC |
Nghị quyết 30/2021, theo ĐB Lan, là chỗ dựa cho các lực lượng chống dịch nhưng lại không phải là chỗ dựa cho quá trình thanh tra, kiểm tra sau này.
“Tôi đi thực tế giám sát của Uỷ ban Xã hội đến một số tỉnh thành, ý kiến thường xuyên nghe là 30 thì 30 nhưng tới khi thanh tra, kiểm toán vào họ chỉ căn cứ theo pháp luật hiện hành thôi, chẳng có 30 gì cả”, ĐB Lan nói.
Bà Lan cho hay: đến lúc này bà vẫn tin rằng không có một thế lực nào có đủ sức để tác động vào các địa phương cũng như các cơ sở y tế để bảo mua cái này, mua cái kia. “Chúng ta quá cứng nhắc trong việc áp dụng các quy định khi đi kiểm tra trở lại”, bà nhận định.
Theo bà, khi trải qua đại dịch COVID-19 thì việc đầu tiên cần làm là hồi phục lại, làm lành vết thương, đặc biệt với ngành y tế, để chuẩn bị đối phó với những đại dịch tiếp theo nếu có. Còn chuyện sai sót, bà Lan nói, hầu như ngành nào cũng có, dù là y tế hay công an.
Sau khi đề cập nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng, bà Lan cho rằng: “Ai làm sai phải chịu, nhưng có điều thực sự các đồng chí có bảo đảm trong các ngành chúng ta ngăn chặn được tiêu cực 100% không?”.
Bà Lan dù “đau xót” cho ngành mình nhưng cũng nói cần để ý đến hoàn cảnh, nỗ lực, cống hiến của ngành y tế. Đồng thời, phải tính toán đến vấn đề gốc rễ là pháp luật. Điều này cũng có vai trò của ĐBQH.
Trong đó, ĐB Lan đề nghị những nguyên tắc tại Nghị quyết 30/2021 cần được nâng cấp thành những điều luật áp dụng ổn định, giúp ngành tế phát triển.
Đề cập đến vấn đề kinh phí, ĐB Lan nói, đây là vấn đề làm khổ không chỉ ngành y tế, mà còn các địa phương. “Dịch qua rồi sau đó ngồi bắt bẻ nhau tại sao tăng cái này, cái kia”, ĐB Lan nêu và lưu ý đất nước còn nghèo, đặc biệt là nghèo về nguồn nhân lực.
Tổng kết Nghị quyết 30/2021 lần này có đề xuất về “gia hạn số đăng ký thuốc”, ĐB Lan kiến nghị phải coi lại cách vận hành. Vì với thực trạng cấp số đăng ký thuốc dạng “xin-cho” như hiện nay thì dễ tiêu cực.
“Đã có những trường hợp thuốc giả nhưng 3 tuần được cấp trong khi những nơi khác chờ đợi hàng năm trời. Có những doanh nghiệp phía Nam đem hồ sơ lên nộp để cấp số đăng ký, giữ cho gần hết thời gian, còn chừng 15 ngày nữa hết hạn thì mời ra, đề nghị sửa hồ sơ, yêu cầu sửa từ “tinh bột bắp” thành “tinh bột ngô”, ĐB Lan kể.
ĐB Lan nói còn cơ chế “xin-cho” thì còn tiêu cực. Sau đó, ĐB Lan nêu băn khoăn, nếu tạm thời cho phép tất cả thuốc đã hết hạn số đăng ký sẽ tiếp tục được lưu hành cho đến khi sửa đổi Luật Dược thì “biết chừng nào”.
“Bây giờ còn chưa có kế hoạch sửa đổi Luật Dược. Mà thả ra thì dễ chứ nhốt vào thì khó...”, ĐB Lan nói.
ĐB Nguyễn Tri Thức (TP HCM) sau khi nghe phát biểu của ĐB Lan và một số ĐB khác, ông nói: “Cá nhân tôi là người trực tiếp chống dịch, cũng trải qua thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.... nên tôi cảm nhận rất rõ ý kiến phát biểu của các ĐBQH”.
ĐB Thức tán thành với báo cáo của Chính phủ, Bộ Y tế về tổng kết Nghị quyết 30/2021, đồng thời, đề nghị các ĐBQH ủng hộ việc “gia hạn thời gian xử lý viện phí cho bệnh nhân COVID cũng như trợ cấp chống dịch”.
Về vấn đề gia hạn giấy phép lưu hành thuốc, ĐB Thức cũng đề nghị ĐBQH ủng hộ vì việc này không ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
“Nhiều người hỏi nếu cho gia hạn thì thuốc hết “date” kéo dài ra à? Không phải, hạn sử dụng liên quan đến chất lượng, còn giấy phép lưu hành là khác”, ĐB Thức giải thích.