Yếu tố khiến tàu ngầm Trung Quốc gặp khó nếu tấn công Đài Loan

Tờ South China Morning Post ngày 3-7 dẫn một bài báo cáo gần đây đăng trên South China Sea Wave - một tài khoản mạng xã hội nặc danh chuyên phân tích quân sự - cho biết những sự thay đổi về tình trạng của Hải lưu Kuroshio có thể cản trở nỗ lực tấn công Đài Loan bằng tàu ngầm của Trung Quốc.

Tàu ngầm Trung Quốc sẽ gặp khó với sự thay đổi của Hải lưu Kuroshio. Ảnh: REUTERS

Hải lưu Kuroshio còn gọi là Hải lưu Nhật Bản hay Dòng chảy đen là một dòng hải lưu ở tây Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan, xuất phát từ đảo Luzon (Philippines) và chảy về phía Nhật.

Phía đông hòn đảo Đài Loan khó bị tấn công từ Trung Quốc đại lục, tuy vậy khu vực này là mục tiêu tấn công chính của quân đội Trung Quốc vì là nơi đặt nhiều căn cứ quân sự quan trọng của hòn đảo. 

Tác động từ sự thay đổi

Báo cáo của South China Sea Wave cho biết hoạt động ngày càng tăng của núi lửa dưới đáy đại dương gần đảo Okinawa (Nhật) đã dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ nước ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan, do đó tác động đến dòng chảy.

Theo báo cáo, những thay đổi này có thể hỗ trợ các tàu ngầm tiến hành các cuộc tấn công, nhưng nếu bị tấn công trở lại và cố gắng thoát khỏi để quay lại đất liền Trung Quốc thì các tàu ngầm này sẽ khó trốn thoát hơn vì sẽ phải chạy ngược lại dòng Hải lưu Kuroshio.

Báo cáo cũng cho rằng các dòng xoáy nước và dòng chảy ngược sẽ ảnh hưởng tới hành trình của ngư lôi được phóng dưới nước và có thể khiến chúng bỏ lỡ các mục tiêu mà không có sự điều chỉnh.

Quân đội Trung Quốc cũng nhận được cảnh báo về những sự thay đổi của dòng chảy và nhiệt độ ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan. Điều này có nghĩa Bắc Kinh phải điều chỉnh các kế hoạch tác chiến tàu ngầm trong trường hợp xung đột xảy ra. 

Chuyên gia nói gì?

Ông Collin Koh - chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) - nhận định Viện tàu ngầm hải quân Trung Quốc đã dành hơn một thập niên để nghiên cứu tác động của Hải lưu Kuroshio đối với hoạt động của tàu ngầm.

Ông Koh cho rằng hải quân Trung Quốc sẽ dùng các tàu ngầm nhằm phát huy hiệu quả cho chiến lược chống can thiệp của Trung Quốc để ngăn chặn Mỹ và các đồng minh can thiệp trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Đài Loan.

“Tất nhiên, tàu ngầm cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng cho mục đích phong tỏa, cắt đứt viện trợ, thương mại từ bên ngoài nhằm từ từ bóp nghẹt Đài Bắc” - ông Koh cho hay.

Ngoài ra, chuyên gia này cho biết lực lượng phòng vệ Đài Loan đã trải qua nhiều thập niên diễn tập tác chiến chống tàu ngầm với sự hỗ trợ từ Mỹ, tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của hải quân Trung Quốc gần đây đã đặt ra nhiều thách thức mới cho khả năng tác chiến dưới nước của hòn đảo.

Bên cạnh đó, ông Lu Li-shih - cựu giảng viên tại Học viện Hải quân ở thành phố Cao Hùng (Đài Loan) - cho biết nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo thì bờ biển phía đông sẽ trở thành chiến trường chính. 

Ngoài ra, ông Lu còn cung cấp thêm rằng lực lượng phòng vệ biển Đài Loan có một căn cứ chiến lược ở bờ biển phía đông bắc của vùng lãnh thổ, nơi có nhiều tàu chiến lớp Knox chống tàu ngầm và là nơi tổ chức một cuộc tập trận hàng năm của Đài Loan.

Để đối phó sự thay đổi trong cán cân sức mạnh quân sự giữa hai bờ eo biển có phần bất lợi cho Đài Loan, vào năm ngoái, Đài Bắc đã công bố kế hoạch đóng tám tàu ngầm nội địa mới tại nhà máy đóng tàu Cao Hùng nhằm phát triển năng lực phòng thủ của hòn đảo. 

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm