Không chịu kiểm tra nồng độ cồn, phạt tới 18 triệu

Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nâng cao mức phạt các hành vi vi phạm lên nhiều lần. Đáng chú ý, hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể bị phạt cao nhất tới 18 triệu đồng.

Mức phạt tăng cao đã góp phần làm giảm tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, cũng vì điều này, nhiều tài xế đã tìm mọi cách để né tránh, không chấp hành khi bị lực lượng CSGT yêu cầu kiểm tra.

Ghi nhận thực tế từ công tác xử lý của CSGT, không ít trường hợp nhất quyết không chịu kiểm tra nồng độ cồn. Có tài xế viện lý do bận đi đón con hoặc có việc gấp, số khác thì khẳng định không thổi vào máy đo vì không uống rượu, thậm chí có người còn để lại phương tiện rồi bỏ đi,…

Một tài xế nhất quyết không chịu kiểm tra nồng độ cồn, để lại xe máy rồi bỏ đi. Ảnh: TUYẾN PHAN

Nhiều độc giả đặt câu hỏi về việc tài xế trong các tình huống trên sẽ bị xử lý về hành vi gì, mức phạt là bao nhiêu? Liệu mức phạt có đủ sức răn đe để tránh tình trạng cứ bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn là để lại xe rồi bỏ đi hay không?

Trả lời các câu hỏi trên, Bộ Công an cho biết những tài xế không chịu đo nồng độ cồn khi được CSGT đề nghị sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn. Mức phạt căn cứ theo Nghị định 46/2016.

Cụ thể, người điều khiển mô tô, xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn bị phạt tiền từ 3 triệu đến 4 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng GPLX từ ba tháng đến năm tháng. Đồng thời bị tạm giữ phương tiện đến bảy ngày trước khi ra quyết định xử phạt.

Người điều khiển ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn bị phạt tiền từ 16 triệu đến 18 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng GPLX từ bốn tháng đến sáu tháng. Đồng thời bị tạm giữ phương tiện đến bảy ngày trước khi ra quyết định xử phạt.

Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn bị phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ hai tháng đến bốn tháng. Đồng thời bị tạm giữ phương tiện đến bảy ngày trước khi ra quyết định xử phạt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tạo hiện trường giả tự tử có vi phạm pháp luật?

Tạo hiện trường giả tự tử có vi phạm pháp luật?

(PLO)- Trường hợp người có hành vi dựng hiện trường giả vụ tự tử mà không nhằm mục đích như thủ đoạn phạm tội nhưng lại gây mất trật tự tại nơi công cộng như cầu, đường phố thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng.