NHỮNG THƯƠNG HIỆU MỘT THỜI VANG BÓNG - BÀI 8

Bột Bích Chi - ý tưởng từ kháng chiến

Tôi tin rằng rất nhiều bạn đọc ở độ tuổi 40-50 đang đọc bài báo này đã từng ít nhất một lần được ăn chén bột Bích Chi khi còn đang chập chững. Tình thương mà các bậc cha mẹ dành cho con mình cũng chính là tình thương mà ông Trần Khiêm Khánh (tức Tư Khánh) dành cho cô con gái bé nhỏ của mình, để rồi trở thành một thương hiệu quen thuộc gắn với các bậc phụ huynh một thời.

Sản phẩm từ tình thương của người cha

Ông Trần Khiêm Khánh vốn không phải là một doanh nhân hay một người kinh doanh thiên bẩm. Ông là một người hoạt động cách mạng, bị bắt, bị tù đày và sức khỏe suy giảm sau nhiều năm bị giam cầm khắc nghiệt.

Năm 1966, tại Sa Đéc, vợ ông sinh cô con gái thứ hai. Tình hình khó khăn khiến gia đình không đủ tiền mua sữa cho con. Ông Khánh chợt nhớ hồi còn kháng chiến, BS Nguyễn Văn Hưởng luôn dặn mọi người thỉnh thoảng nên ăn gạo lứt để tăng sức khỏe, chống bệnh tật, ông cũng tìm đọc một số tài liệu, sách báo về công dụng của gạo lứt nên quyết định thử nấu cháo gạo lứt lấy nước cháo cho con uống. Hơn tuần lễ sau thấy con khỏe mạnh hơn, không hề tiêu chảy hay dị ứng, ông yên tâm về loại thực phẩm mới cho trẻ này. Nhận thấy việc nấu cháo khá bất tiện cho trẻ nhỏ bởi gạo lứt vốn cứng, ông nghĩ nên xay thành bột dễ hơn. Thế là ông nghiên cứu đặt thợ làm một chiếc máy xay bột nhỏ. Bột xay ra nhiều dùng không hết, ông gửi tặng một số người quen có con nhỏ mỗi người một ít. Không dè mọi người dùng thử thấy tốt nên giới thiệu người quen, sau đó đặt hàng ông mua và xay giúp, tính ra chỉ mới trong số người quen biết thôi mà đã lên tới vài trăm ký mỗi tháng.

Được mọi người khen ngợi và ủng hộ, ông Tư Khánh vui một vì có tiền bạc đắp đổi cho cuộc sống gia đình nhưng ông vui mười khi thấy trẻ con nhờ ăn bột của mình mà mạnh khỏe, không bị suy dinh dưỡng. Thế nên khi bạn bè gợi ý nên mở rộng sản xuất bột để phục vụ đông đảo hơn cho bà con, ông và vợ - bà Đinh Ngọc Điệp chỉ mất một đêm bàn bạc là nhất trí mở nhà máy. Cái tên nhà máy chính là tên cô con gái thứ hai - Trần Thị Bích Chi. Cô chính là người đã “nếm thử” những sản phẩm đầu tay của ông Tư Khánh…

“Nếu không có Bích Chi, tui đã không làm bột. Chính nhờ nuôi nó bằng gạo lứt tui làm ra mới có công ty sau này nên tui đặt tên cho bột này là Bích Chi” - ông Trần Khiêm Khánh kể lại đầu đuôi ngọn ngành câu chuyện.

Ông Trần Khiêm Khánh và cô Trần Thị Bích Chi.

Con đường đi tới thành công

Sau khi mở công ty, ông Tư Khánh nghiên cứu thêm sản phẩm bột gạo lứt đậu xanh, rồi bột “năm loại đậu” - tức là bột đậu xanh, trắng, đỏ, đen và đậu nành, đây là những sản phẩm được bà con mua nhiều nhất. Lý do để bột Bích Chi được dùng nhiều vì so với sữa bột ngoại nhập khá đắt đỏ, bột gạo lứt và bột tổng hợp giá rẻ vẫn có độ dinh dưỡng cao. Thứ nữa là sữa chỉ pha cho trẻ uống, còn bột Bích Chi pha đường cho trẻ uống hay ăn cũng được, trẻ lớn chút thì cho thêm thịt bằm, rau củ băm nhỏ vào nấu chung thành món mặn ăn dặm cũng tiện lợi và ngon miệng. Không chỉ trẻ em, người lớn tuổi cũng dùng tốt các sản phẩm bột.

Giai đoạn đầu, bột Bích Chi được khách mua theo kiểu truyền miệng, người nọ mách người kia trong vùng nhưng để đưa sản phẩm đến với các vùng khác ở miền Nam, nhất là lên Sài Gòn thì không thể trông chờ vào phương thức cũ. Bản thân ông Khánh cũng ý thức được mình chỉ có thể là người nghiên cứu về bột, chế biến ra các sản phẩm có chất lượng nhưng không thể làm tốt được công việc quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, do đó ông phải chọn người làm việc này.

Người được ông Khánh chọn làm đại lý độc quyền (hồi xưa gọi là tổng phát hành) là ông Đỗ Như Công, bản thân ông Công có bằng thương mại do Pháp cấp, lại là bạn thân với Trần Khiêm Ninh, anh của ông Khánh. Như vậy cả yếu tố thân tình lẫn chuyên môn đều có đủ và chính ông Công đã góp phần không nhỏ giúp bột Bích Chi chinh phục miền Nam, trong đó có thành trì kiên cố nhất là Sài Gòn.

Để có thể đưa bột Bích Chi đến với người tiêu dùng chỉ có thể qua con đường các tiệm tạp hóa. Bản thân các tiệm tạp hóa thường không thích nhận bán những mặt hàng lạ, khách chưa biết. Nếu giao hàng họ chỉ nhận ký gửi và cất hàng vào trong chứ không bày ra, khi nào khách hỏi mới lấy nên để cho họ chịu bày bán, khách hỏi mua bắt buộc phải quảng cáo. Thành bại hay không của một món hàng phụ thuộc rất nhiều vào việc quảng cáo có tiếng vang, người ta ghi nhớ hay không.

Bấy giờ miền Nam đang có phong trào nghe cải lương tân cổ giao duyên, ông Công đã mời hai ca sĩ cải lương có tiếng lúc bấy giờ là Ngọc Giàu và Thành Được ca sáu câu vọng cổ được chính soạn giả nổi tiếng Viễn Châu viết. Riêng phần tân nhạc nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (cha của ca sĩ Hồng Hạnh) vốn là bạn với gia đình ông Công soạn và đích thân hát luôn. Những bản nhạc này được phát ở các sạp bán hàng, nhất là trước các ngôi chợ lớn ở Sài Gòn như chợ Bến Thành, An Đông, Bình Tây… Ở đây, khách đi ngang qua được nghe nhạc, được mời dùng thử miễn phí các sản phẩm của Bích Chi.

Ngoài ra, ông Công cũng đặt làm một đoạn phim ngắn để chiếu quảng cáo trong các rạp phim, trong đó diễn viên trẻ mới nổi Phương Hoài Tâm đóng vai chính, đại để nội dung phim là gia đình nông dân chồng đi làm xa, vợ đi làm ruộng, bà ngoại ở nhà cho cháu ăn bột Bích Chi. Đứa trẻ đóng phim rất mập bự (tạo hình ảnh trẻ dùng bột Bích Chi sẽ rất khỏe mạnh) tên Lưu Minh Thiện không phải là diễn viên mà là con của một khách hàng, bé Thiện cũng thường xuyên dùng bột Bích Chi từ nhỏ. Định hướng quảng cáo của ông Công là không dùng diễn viên đóng thế mà phải là người thật việc thật, là những người từng sử dụng bột Bích Chi lâu dài tham gia như một sự bảo chứng. Cũng chính vì vậy nhãn hiệu phổ biến của bột Bích Chi có hình ảnh người mẹ bồng con chính là từ ảnh chụp bà Đinh Ngọc Điệp đang bế cô Bích Chi, dưới có dòng chữ: “Hình ảnh cháu Trần Thị Bích Chi, cháu bé đầu tiên được nuôi thử nghiệm bằng bột gạo lứt thay sữa mẹ”. Sau đó chiến dịch quảng cáo còn vận động một số khách hàng đưa rõ tên thật, hình ảnh của mình để giới thiệu cho sản phẩm.

Khi “tấn công” vào Chợ Lớn, các bảng quảng cáo đặt tại các tiệm tạp hóa đều in hai dòng chữ Việt-Hoa, có nội dung đơn giản nhưng đủ ý: “Tân dưỡng sanh, bồi dưỡng người già, dùng cho người bịnh, đặc biệt cho trẻ em”, bà Đoàn Thị Bích Hoàn, vợ của ông Đỗ Như Công, nhớ lại những “tuyệt chiêu” tiếp thị mà chồng bà áp dụng.

Nhờ việc quảng cáo hiệu quả, trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1975, mỗi năm nhà máy Bích Chi sản xuất hàng trăm tấn bột. Ngoài sản phẩm trẻ em, Bích Chi bắt đầu nghiên cứu nhiều loại bột gia dụng khác như bột gạo ngang (để nguyên chất xơ) để làm bánh có độ giòn như bánh xèo, bánh khọt…; bột nửa ngang nửa lọc (đã lấy bớt chất xơ) để làm bánh hấp, bánh luộc như bánh canh, bánh lọ… Ngoài ra còn một loại đặc biệt chỉ có tinh bột, không chất xơ để làm bánh bò…

Nhãn hàng Dielac đã từng liên hệ với Bích Chi bày tỏ ý định đặt hàng một số lượng bột để pha vào sản phẩm dinh dưỡng của họ như Dielac hay Guigoz nhưng cả ông Khánh và ông Công đều từ chối vì cho rằng đây là sản phẩm đặc trưng Việt Nam, không muốn gia công cho nhãn hàng ngoại. Thay vào đó, hai ông dự tính ứng tiền cho nông dân trồng gạo huyết rồng làm vùng nguyên liệu để mở rộng xuất khẩu bột Bích Chi sang các thị trường láng giềng Đông Nam Á như Thái, Mã Lai, Campuchia… bởi nhu cầu bột dinh dưỡng ở những thị trường này rất lớn. Tiếc thay, dự định đó không thực hiện được vì sự biến động của lịch sử năm 1975.

Hiến tặng nhà máy cho Nhà nước

Dù ông Tư Khánh đã gặp người bạn cùng hoạt động trước đây là ông Trần Bạch Đằng xác nhận nhà máy Bích Chi là cơ sở cách mạng thuộc Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ nhưng sau đó với chủ trương cải tạo công thương nghiệp, ông Tư Khánh đã hiến tặng nhà máy Bích Chi cho Bộ Công nghiệp thực phẩm để trở thành nhà máy quốc doanh. Ông Tư Khánh vẫn tiếp tục làm giám đốc tại nhà máy cho đến năm 1987 mới nghỉ hưu. Ông đã cố gắng lèo lái nhà máy của mình vượt qua những khó khăn khủng khiếp sau năm 1975, có lúc không thể tìm mua đâu ra được nguyên liệu để làm bột cho đến lúc thanh thản về vui thú điền viên.

14 năm sau, đến năm 2001 nhà máy bột Bích Chi được cổ phần hóa. Nhiều người nghĩ ông Tư Khánh phải có khá nhiều cổ phần nhưng hóa ra không phải vậy, ông không có bất cứ quyền lợi gì ở nhà máy cũ. Ông Tư Khánh không hề hối hận về quyết định hiến tặng nhà máy của mình cho Nhà nước, với ông cái gì đã qua là qua. Điều ông buồn là những sản phẩm bột gạo lứt Bích Chi đã không còn được phổ biến như xưa và các bậc phụ huynh đang phải bỏ ra quá nhiều tiền cho những sản phẩm sữa bột đắt đỏ hơn cả ở nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm