Cần sa tự nhiên, tiếng lóng gọi là “cỏ”, có các tác dụng phục vụ việc điều trị y học. Tuy nhiên, nhiều chất kích thích đã được pha trộn thêm để bào chế ra “cỏ nhân tạo” nhằm tăng cảm giác “phê” cho người dùng, tương tự như đường dây “cỏ Mỹ” vừa được triệt phá tại Đà Nẵng ngày 18-3 vừa qua. Những loại cỏ nhân tạo với tác hại khôn lường đó đang làm lao đao giới trẻ Mỹ.
Thành “xác sống” vì cần sa
Ngày 20-3, cảnh sát khu vực Crest Lake Park thuộc TP Clearwater (bang Florida, Mỹ) phát hiện hai nam giới và một phụ nữ nằm ngồi bất động quanh một cái bàn trong công viên. Đây là hình ảnh đặc trưng của những người hút một dạng cần sa nhân tạo đang làm lao đao giới trẻ Mỹ, được biết đến nhiều nhất với cái tên Spice.
Theo Daily Mail, đã có hàng chục trường hợp tương tự được cảnh sát TP Clearwater phát hiện và chuyển tới bệnh viện trong vài tuần gần đây. Số người được đưa vào bệnh viện vì hút Spice quá liều ở TP Clearwater tăng đến mức báo động.
Eric Gandy, cảnh sát trưởng TP Clearwater, cho biết đã thấy khoảng 15 người đi lại vật vờ trong TP như những cái xác sống. Kênh truyền hình Kron-4 (Mỹ) đưa đoạn phim ghi hình cảnh sát trưởng Eric Gandy lay tỉnh những đối tượng nhưng họ mất khả năng giao tiếp. Trước đó cảnh sát vịnh Tampa (bang Florida) cũng phát hiện một số trường hợp dùng Spice quá liều. Cảnh sát Florida phát đi cảnh báo, đồng thời cho biết tình trạng này chưa từng có tiền lệ.
Theo Mirror, tình trạng này còn diễn ra ở hầu hết các bang khác, đặc biệt đáng ngại ở các bang Mississippi, New York, Arizona, New Jersey, Texas. Trên nhiều đường phố khắp nước Mỹ thỉnh thoảng lại có một vài thanh niên đi lại vật vờ, hoặc nằm ngồi nghiêng ngả bên đường.
Cảnh sát trưởng TP New York Bill Bratton cho biết ông đã chứng kiến nhiều trường hợp mất sạch lý trí, điên loạn hoàn toàn sau khi hút Spice. Một số người “say thuốc” thản nhiên cởi bỏ quần áo khỏa thân giữa phố.
Con nghiện bất tỉnh sau khi hút Spice ở TP Clearwater (bang Florida, Mỹ). Ảnh: MIRROR
Cảnh sát bang Florida (Mỹ) tịch thu Spice trong một lần truy quét. Ảnh: DAILY MAIL
Báo động đỏ
Theo trang mạng “tẩy chay” Spice - K2/Zombie DC (Mỹ), các rủi ro từ hút Spice ngày càng tăng và trở nên nghiêm trọng. Từ năm 2015, số người phải đi cấp cứu vì hút Spice tăng cao. Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống dịch bệnh Mỹ tháng 6-2015 cho thấy trong năm tháng đầu năm 2015 Mỹ có 15 người chết vì hút Spice, gấp ba lần năm 2014.
Tại thủ đô Washington có gần 450 trường hợp hút Spice quá liều trong tháng 6-2015. Tại bang Alabama trung bình mỗi tháng số người hút Spice đi cấp cứu khoảng 400 người, số người chết trung bình là hai. Tại bang Louisiana đã từng có một người chết và ba người bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Tại New York có hơn 1.900 trường hợp hút Spice nhập viện chỉ trong ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2015).
Nhiều tổ chức tìm cách lý giải tình trạng này. Có ý kiến cho rằng số người dùng Spice ngày càng nhiều. Một số khẳng định thành phần hóa chất tổng hợp chế ra Spice được thay đổi liên tục và ngày càng nguy hại. Nhiều người không biết được chính xác trong loại cần sa mình hút có những gì vì những người bào chế chúng liên tục đổi công thức. Thậm chí khi hai túi cần sa nhìn bề ngoài giống nhau từng chi tiết thì thành phần vẫn có thể khác nhau hoàn toàn.
Theo BS Howard Samuels - người sáng lập trung tâm cai nghiện Hills (Mỹ), các hóa chất trong Spice có sức phá hủy tế bào não ghê gớm. Càng có thâm niên dùng Spice thì não càng bị hủy hoại đến không thể khôi phục dẫu sau đó có ngừng hút và cai nghiện.
Cảnh sát Mỹ hy vọng việc mở rộng cảnh báo về sự nguy hiểm của Spice cũng như cung cấp kiến thức về loại cần sa này có thể giúp số con nghiện giảm xuống.
Cảnh sát Mỹ đưa một người nghiện Spice đi bệnh viện. Ảnh: WDRB
Luật Mỹ không cấm
Hiện ở Mỹ giá mua Spice khá rẻ so với các loại chất gây nghiện hay chất kích thích khác. Có thể mua một túi cần sa này với giá chỉ 1 USD. Các túi cần sa có thể dễ dàng tìm thấy ở các quầy thuốc lá, cửa hàng tiện lợi hoặc Internet. Theo luật liên bang Mỹ, hút cần sa nhân tạo không vi phạm pháp luật.
Hiện bốn bang Colorado, Washington, Alaska và Oregon cho phép mua bán cần sa cả cho dùng trong y học và giải trí. Theo CNN, có 23 bang ở Mỹ cho phép dùng cần sa trong y học. Tuy thế, Cơ quan Phòng, chống ma túy Mỹ vẫn xem nó là một dạng chất kích thích đáng ngại.
Nhiều bang ở Mỹ đã cấm bán cần sa nhân tạo như Alabama, Florida, Illinois, Louisiana, Mississippi, Missouri, New Jersey, New York, Arizona… Ai vi phạm có thể ngồi tù. Nhiều bang như Arizona cấm tàng trữ, mua bán và sản xuất Spice, xem đó là trọng tội cấp độ 2, có thể chịu tù tới bốn năm.
Chính quyền New York yêu cầu các hãng bán lẻ trực tuyến như eBay, Craigslist, Backpage bỏ cần sa nhân tạo khỏi danh mục sản phầm rao bán. Quân đội Mỹ cũng cấm tàng trữ và sử dụng cần sa nhân tạo. Quân nhân vi phạm có thể bị trục xuất, bị tước nhiều quyền lợi, ngồi tù đến năm năm. Nhiều TP và các bang khác ở Mỹ cũng đang cân nhắc cấm hút, buôn bán và tàng trữ cần sa nhân tạo.
Cần sa “làm nóng” tranh cử tổng thống
Kiểm soát cần sa là một trong những vấn đề nóng ở Mỹ đến mức nó được đề cập bởi các ứng viên tổng thống năm nay. Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton là người ủng hộ dùng cần sa trong điều trị y tế nhưng phản đối dùng cần sa trong thương mại và giải trí. Ngoài ra, bà Clinton không ủng hộ bỏ tù người sử dụng cần sa. Thay vào đó, bà cho rằng cần tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán cần sa phi pháp để chúng không đến được tay người sử dụng. Bà Clinton ủng hộ phương án cho phép các bang có chính sách riêng về cần sa và không bị liên bang can thiệp.
Ứng viên đảng Cộng hòa Ted Cruz cũng ủng hộ cho các bang quyền tự chủ chính sách về cần sa nhưng phản đối việc hợp pháp hóa cho người trưởng thành sử dụng cần sa. Ông Ted Cruz từng chỉ trích chính phủ Mỹ không mạnh tay kiểm soát hợp pháp hóa cần sa tại Colorado và Washington sau khi hai bang này thông qua luật quản lý và đánh thuế ngành mua bán cần sa.
Ngược lại, trong một cuộc tranh luận tổng thống gần đây, ứng viên Bernie Sanders ủng hộ cho phép các bang hợp pháp hóa và quản lý cần sa cho sử dụng trong y khoa và cho người trưởng thành hút. Tháng 11-2015, ông Bernie Sanders còn đề xuất dự luật đưa cần sa ra khỏi kiểm soát liên bang, cho phép các bang tự quản lý. Ông cũng kêu gọi cho phép các cá nhân, tập thể buôn bán cần sa tiếp cận với ngân hàng và đóng thuế bình thường như các ngành kinh doanh khác. Quan điểm phóng khoáng của ông Bernie Sanders trong cuộc chiến chống ma túy tại Mỹ thường gặp nhiều chỉ trích.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump gần đây cũng tuyên bố ủng hộ dùng cần sa trong y học nhưng phản đối cho phép mua bán và quản lý cần sa nhằm mục đích giải trí. Trong khi đó, một ứng viên khác thuộc đảng Cộng hòa là John Kasich lại phản đối mọi hình thức hợp pháp cần sa, kể cả trong lĩnh vực y học.
Cần sa nhân tạo và tự nhiên Cần sa nhân tạo là kết hợp của các loại thảo mộc, gia vị, hoa khô, được tẩm các hóa chất nhân tạo. Cần sa nhân tạo được bán với nhiều nhãn hiệu như Spice, K2, Genie, Fire… Người hút sẽ có cảm giác giống hút cần sa, tuy nhiên các chất gây ra cảm giác này không đến từ các loại hoa cỏ mà từ hóa chất. Tác hại cần sa nhân tạo Theo thông tin từ trang web Spice Addiction Support hỗ trợ người nghiện Spice, sản phẩm này mang lại cảm giác khá giống cần sa. Tuy nhiên, vì thành phần của nó là hóa chất tổng hợp nguy hại nên người dùng sẽ chịu nhiều cảm giác tiêu cực về thần kinh cũng như thể chất: Làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, gây buồn nôn, căng thẳng, rối loạn thần kinh, tai biến, đột quỵ, mất khả năng nói, đi lại, sử dụng chi... Ngoài ra, Spice còn gây tổn thương não và phổi. Những người hút Spice thường cực kỳ căng thẳng, có ảo giác, loạn thần, có hành vi bạo lực. Thể hiện bề ngoài giống một zombie trên phim ảnh. Một số trường hợp hút quá liều dẫn tới tử vong không cứu kịp. |