CHUYỂN ĐỘNG BIỂN ĐÔNG - BÀI CUỐI

Đối sách trước một Trung Quốc bành trướng

Hàng loạt quốc gia trên thế giới đang bày tỏ những quan ngại sâu sắc trước những bước leo thang mới của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông.

Trên tinh thần đó, nhiều chuyển động trên mặt trận ngoại giao đã diễn ra để phản kháng trước một TQ bất tuân luật pháp. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Mỹ).

Kịch bản đóng và mở

. Phóng viên: Bất chấp phản ứng từ các nước trong khu vực, thậm chí là Mỹ, TQ vẫn tiếp tục những bành trướng của mình ở biển Đông trong thời gian qua, có thể lý giải điều này thế nào, thưa ông?

+ GS Nguyễn Mạnh Hùng: Cá nhân tôi quan sát thì thấy rằng sở dĩ ý chí thi hành chính sách bành trướng, tạo ra sự ảnh hưởng bá quyền của TQ ở châu Á nói chung, đặc biệt ở khu vực biển Đông, mạnh hơn ý chí từ phía Mỹ là vì TQ là một cường quốc tại châu Á.

Biển Đông là khu vực duy nhất mà TQ có thể cạnh tranh một cách hiệu quả trước Mỹ. Trong khi đó, Mỹ với vai trò là một cường quốc toàn cầu, có nhiều chọn lựa và quan trọng là có nhiều mối quan tâm khác trên thế giới.

Phải nhấn mạnh rằng để ý chí can dự của Mỹ tại khu vực mạnh, một trong những yếu tố quan trọng chính là Mỹ phải được hỗ trợ một cách hữu hiệu bằng ý chí và sự đóng góp của các nước trong khu vực.

. Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), đến khoảng năm 2030, TQ có thể chiếm ưu thế về kiểm soát tại biển Đông, không chỉ với láng giềng mà với cả Mỹ. Theo ông, kịch bản nào có thể xảy ra trong các mối quan hệ tương quan?

+ Không loại trừ trường hợp kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra tương tự CSIS dự báo: TQ leo thang căng thẳng, tiến hành nhiều biện pháp để độc chiếm biển Đông khiến những nỗ lực của Việt Nam (VN) nhằm hướng ra Thái Bình Dương trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù không phủ nhận vai trò của việc đưa ra các dự báo trong tương lai nhưng trong chính trị học, việc tiên đoán tương lai là một tồn tại nhiều rủi ro.

Vẫn có thể diễn ra một kịch bản tích cực nhất đối với mối quan hệ Việt-Trung: Trước áp lực của quốc tế ngày càng gia tăng, cán cân lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương thay đổi theo hướng bất lợi cho TQ buộc Bắc Kinh phải giảm tham vọng bá quyền của mình và những đòi hỏi phi lý của yêu sách đường lưỡi bò.

GS Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: HẢI AN/ZING

Gia tăng nội lực, huy động ngoại lực

. Để phòng tránh hay ngăn chặn kịch bản xấu nhất diễn ra, thúc đẩy kịch bản tích cực, theo ông đâu là những bước đi quan trọng mà VN cần phải chủ động trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là việc đầu tư cho mối quan hệ VN-ASEAN?

+ Một mình VN rất khó có thể chống lại chính sách lấn lướt của TQ. Thế nên VN phải tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác để củng cố sức mạnh quốc gia. Nhìn lại ASEAN và biển Đông thời gian qua, tôi thấy ASEAN tuy có những bước phát triển quan trọng nhưng tận cùng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Thế nên phải xây dựng mối quan hệ này đi vào chiều sâu hơn nữa.

VN phải hợp tác chặt chẽ với các nước lớn và các nước trong khu vực có chung lợi ích ở biển Đông trước sự bành trướng của TQ. Trong ảnh: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2015. Ảnh: REUTERS 

. Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN cho thấy phần nào quyết tâm của Mỹ trong việc thắt chặt quan hệ với khu vực. Những tín hiệu tích cực nào tiếp theo từ hội nghị này, thưa ông?

+ Đối với việc tận dụng sức mạnh từ các đối tác để tạo ưu thế chính đáng tại biển Đông, tôi cho rằng Mỹ đang là đối tác quan trọng nhất để đối trọng sự bành trướng của TQ. Thế nên cần ưu tiên đầu tư hơn nữa cho mối quan hệ này.

Muốn chủ động trong ngắn hạn, dài hạn đối với mối quan hệ này, việc đầu tiên là các nước phải củng cố sức mạnh nội tại của chính mình để có thể hấp dẫn, tranh thủ hiệu quả hơn sự hợp tác với cường quốc số một thế giới.

. Xin cám ơn ông.

VN cần “ngụ binh ư nông” kiểu mới

VN không thể chạy đua vũ trang với TQ nhưng sẽ phải dồn rất nhiều nguồn lực vào công cuộc bảo vệ biển, đảo. Hãy nhìn các nước nhỏ nhưng đứng trước đe dọa an ninh lớn. Họ phải duy trì ngân sách quốc phòng cao. Do đó VN phải có nền kinh tế mạnh để cáng đáng ngân sách bảo vệ biển, đảo. VN cũng phải hiện đại hóa hải quân, không quân, phát triển một chiến lược “ngụ binh ư nông” kiểu mới để đối phó với “chiến tranh nhân dân” trên biển của TQ. Nội lực là điều kiện cần nhưng phải có thêm ngoại lực thì mới đủ. Ở “vòng trong”, VN phải hợp tác chặt chẽ với các nước lớn và các nước trong khu vực có chung lợi ích ở biển Đông, ở “vòng giữa”, VN cần tranh thủ các nước ASEAN và một số nước lớn khác. Ở “vòng ngoài” là các nước, các tổ chức quốc tế khác và đặc biệt là dư luận quốc tế.

GS ALEXANDER VUVING, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ

Giữ cân bằng trong quan hệ với các nước

Chính sách đối ngoại của VN đối với TQ chạy trên một trục ngang, được quyết định bởi mong muốn của giới lãnh đạo VN và chính sách của TQ. Hành động của TQ ở vùng biển Đông có thể hút VN về phía TQ và ngược lại có thể đẩy VN ra xa TQ. Nhiều người cho rằng những hành động gây căng thẳng gần đây của TQ ở biển Đông sẽ khuyến khích VN xích lại gần hơn với các quốc gia khác. Nhưng tôi không nghĩ tốt cho VN khi mối quan hệ Việt-Trung có thể tỉ lệ nghịch với mối quan hệ khác.

Cách tốt nhất cho VN là cân bằng trong quan hệ với cả các cường quốc khác và TQ dù không dễ dàng. Năm 2016, tôi nghĩ TQ sẽ gây tăng áp lực nhiều hơn ở vùng biển Đông. Do đó sự lựa chọn cho chính sách của VN ở vùng biển Đông trong năm 2016 không có nhiều và kịch bản cho mối quan hệ Trung-Việt có lẽ sẽ ngày càng chênh lệch, bất đối xứng hơn nếu VN không thể tự chủ, tự cường.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG, khoa Quan hệ quốc tế,
ĐH KHXN&NV TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm