Đã đến lúc nâng lãi suất đồng đôla?

Hơn nửa năm nay lãi suất USD gửi vào ngân hàng đối với doanh nghiệp (DN) và cá nhân đã về 0%. Điều này có nghĩa là người dân không còn hưởng lãi suất khi gửi USD. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đây là chính sách nhằm thực hiện chủ trương chống đôla hóa.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá chính sách trên đã góp phần ổn định tỉ giá nhưng chỉ nên xem đó là giải pháp mang tính thời điểm và không nên duy trì quá lâu vì sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Nhiều tác dụng phụ

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết lượng tiền đồng gửi vào ngân hàng tăng đều qua từng tháng. Cụ thể so với đầu năm nay, hiện tổng lượng tiền đồng gửi vào ngân hàng tăng 7,05%, lượng ngoại tệ của người dân gửi tiết kiệm giảm 11,02%.

“Điều đó cho thấy từ khi thực hiện chính sách giảm lãi suất huy động USD xuống 0%, việc găm giữ ngoại tệ của người dân và DN tại TP.HCM đã giảm nhiều so với trước đây” - ông Minh nhận định.

Cũng theo ông Minh, lãi suất USD bằng 0% cộng với việc hạn chế đối tượng cho vay bằng ngoại tệ đã góp phần hạn chế tình trạng cầu ngoại tệ giả tạo, giảm sức ép về tỉ giá. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.

Lãi suất USD bằng 0% phù hợp với thời điểm trước đây nhưng không còn hợp lý trong thời điểm hiện nay. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đến nay lãi suất USD bằng 0% đã hoàn thành sứ mệnh của một biện pháp hành chính nhằm giữ ổn định tỉ giá thời điểm trước đây. Nay tình hình kinh tế trong nước lẫn quốc tế đã có nhiều thay đổi, do vậy việc mở lại lãi suất huy động ngoại tệ là cần thiết.

Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu thực tế người dân vẫn chưa quen với việc gửi tiết kiệm ngoại tệ mà không có lãi suất, song lại không thích chuyển sang tiền đồng. Do đó đã có trường hợp người dân rút ngoại tệ khỏi ngân hàng hoặc dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.

“Hơn nữa, Mỹ đã nâng lãi suất huy động đồng USD mà Việt Nam lại để bằng 0% thì không hợp lý. Điều này tất nhiên sẽ kéo theo một lượng ngoại tệ chảy ra nước ngoài, cho nên đã đến lúc phải tăng lãi suất USD lên” - ông Phong nhấn mạnh.

TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cũng từng phát biểu: “Mặc dù NHNN ra sức chống USD hóa bằng cách triệt tiêu vào nguồn sinh lợi từ đôla nhưng cũng vì đó mà người dân lại có tâm lý găm giữ USD nhiều lên”.

Một chuyên gia kinh tế khác cũng nhận định ngoại tệ luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Người dân coi tiết kiệm là một kênh đầu tư nhưng khi lãi suất bằng 0% thì họ không muốn gửi ngân hàng nữa, trong khi các DN vẫn có nhu cầu vay đôla để thanh toán. Đây là một trong những lý do buộc một số ngân hàng phải “đi đêm”, lách lãi suất như thời gian vừa qua.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: “Khi ngân hàng có nhu cầu cho DN vay ngoại tệ nhưng người dân không còn hứng thú với việc gửi tiết kiệm ngoại tệ thì sẽ có ngân hàng lách bằng cách này hay cách khác. Chính điều này làm cho thị trường thiếu tính minh bạch”.

Cần phải thay đổi

Từ thực tế trên, các chuyên gia đều nhìn nhận việc điều chỉnh trần lãi suất huy động USD cần được cân nhắc.

“Các cơ quan quản lý cần linh hoạt điều chỉnh chính sách ngoại tệ để phù hợp hơn với kinh tế thị trường và tình hình mới. Khi chính sách điều hành lãi suất hoạt động theo cơ chế thị trường thì tự nhiên người dân sẽ không phải đắn đo giữa việc gửi USD hay giữ tiền đồng mà họ sẽ cân đối. Điều quan trọng là Nhà nước phải đưa ra mức lãi suất hợp lý hơn” - ông Đinh Thế Hiển nói.

Cụ thể, trước mắt NHNN nên để cả DN và cá nhân cùng được hưởng lãi suất huy động USD kỳ hạn sáu tháng hoặc một năm 1%-1,5% thay vì 0% như hiện nay. Làm như vậy sẽ khuyến khích người dân gửi ngoại tệ trong thời gian dài. Ngân hàng sẽ “kéo” nguồn kiều hối chảy về Việt Nam mạnh hơn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần vốn để phát triển.

“Sẽ rất đáng tiếc khi mà một lượng USD tích lũy trong dân không được huy động vào đầu tư phát triển kinh tế-xã hội” - ông Hiển nói.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Phong gợi ý: “Trước mắt nên làm từng bước một. Chẳng hạn duy trì tiền gửi USD của người dân có lãi suất, còn tiền của DN gửi thì chưa có lãi suất. Như thế mới huy động được dòng ngoại tệ nhàn rỗi hoặc phân tán không đúng hướng trong dân”.

Một số chuyên gia tài chính ngân hàng thì nêu quan điểm ít nhất Nhà nước nên để lãi suất USD ở mức tượng trưng khoảng 0,5%-1%/năm để khuyến khích người dân tiếp tục gửi ngoại tệ vào ngân hàng. Khi có thêm nguồn cung ngoại tệ, nhu cầu vay đồng Việt Nam từ ngân hàng sẽ được chia sẻ, góp phần giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN giảm chi phí vốn. Như vậy vừa đảm bảo được mục tiêu chống đôla hóa vừa đảm bảo mục tiêu hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Bị động về ngoại tệ

Đại diện một ngân hàng cho hay khi lãi suất USD về mức 0%, những cá nhân, tổ chức vẫn chọn gửi USD trong ngân hàng thì thay vì gửi có kỳ hạn dài sáu tháng hoặc một năm như trước đây, giờ chuyển về không kỳ hạn. Tình trạng này khiến các ngân hàng đối diện với nguy cơ bị động về nguồn vốn ngoại tệ cho vay và đứng trước rủi ro thanh khoản ngoại tệ.

“Hơn nữa, chính sách này có thể sẽ làm giảm lượng kiều hối chuyển về nước nhằm mục đích kinh doanh, hưởng chênh lệch lãi suất” - vị đại diện ngân hàng trên cảnh báo.

Theo ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn, với công ty xuất nhập khẩu, quan trọng nhất là ổn định tỉ giá chứ không phải đi đầu cơ tỉ giá để kiếm lời nên không có chuyện găm giữ USD. Hiện nay vay USD với lãi suất khoảng 2%-3% là hợp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm