‘1 người bị bệnh, bắt cả nhà phải uống thuốc’

Các doanh nghiệp (DN), chuyên gia cho rằng quy định về bổ sung iốt, sắt, kẽm... trong thực phẩm đang làm nhiều DN ngành này điêu đứng, không thể xuất khẩu.

Chuyên gia độc lập VŨ THẾ THÀNH:

Không nên vô tư sử dụng muối iốt

Chuyên gia độc lập VŨ THẾ THÀNH

Theo tôi được biết, hiện nay chỉ có Úc yêu cầu trộn iốt vào bánh mì (trừ bánh mì hữu cơ) nhưng không hiệu quả. Tôi không biết có phải do iốt bay đi trong quá trình nướng bánh mì nên không hiệu quả hay không. Còn lại hầu như chưa có quốc gia nào ép buộc DN phải bổ sung cả, dù quốc gia nào cũng có chương trình bổ sung iốt. Họ chỉ khuyến khích DN quảng bá, truyền thông cho người dân hiểu để tự nguyện sử dụng thôi.

Họ cũng quy định nếu DN nào mà sử dụng muối iốt để chế biến thực phẩm thì phải kê khai trên nhãn vì có những người bị bệnh cường giáp phải hạn chế dùng chứ không được vô tư sử dụng iốt thoải mái. Bởi vì thiếu hay thừa iốt đều bất lợi cho sức khỏe. Xin ví dụ: Ở Nhật không thiếu iốt vì người dân quen ăn rong biển, cá biển… Thậm chí có những trẻ em thừa iốt gấp 1.000 lần số iốt cần thiết cho cơ thể. Như vậy, nếu cứ ép dân phải dùng iốt sẽ dẫn đến thừa.

Tại Việt Nam, vì sao có sự phản ứng nặng nề khi ép các DN bổ sung iốt? Vì cơ quan nhà nước chưa làm rõ ở khu vực nào thiếu iốt, khu vực nào đang thừa. Có thể chỉ có một số vùng ở cao nguyên bị thiếu iốt. Không thể lấy việc khảo sát ở một vài vùng nào đó rồi khái quát hóa và bắt toàn dân phải sử dụng muối iốt, ép các DN phải bổ sung iốt trong thực phẩm. Tôi thấy điều này là bất hợp lý.

Tóm lại, chỉ cần bổ sung iốt ở những khu vực thiếu iốt trong thực phẩm, những người ăn nhiều thực phẩm chứa goitrogens (đậu nành, họ cải...), người không dùng muối iốt, phụ nữ có thai và cho con bú.

TS ĐỖ VIỆT HÀ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hóa học TP. HCM:

Có thể nguy hiểm

Cần hết sức cẩn thận trong việc bắt buộc bổ sung sắt, kẽm trong bột mì. Vì quy định này có thể cản trở quá trình, công nghệ trong chế biến thực phẩm. Mặt khác, khi bổ sung những chất này vào thực phẩm, phản ứng sinh hóa có thể xảy ra,  nguy hiểm.

Ví dụ, khi thực phẩm đang trong quá trình lên men mà thêm yếu tố kim loại khác vào thì con men có thể sẽ biến đổi khác đi. Từ đó sẽ tạo ra màu, mùi vị… khác. Do đó nên có sự tham vấn của các nhà khoa học, nếu không sẽ đưa ra quy định một cách chủ quan, thiếu cơ sở khoa học.

Vì sao một số nước trên thế giới không bắt buộc phải bổ sung sắt, kẽm mà Việt Nam lại bắt buộc? Lý do là các nước trên thế giới đã trải qua và có kinh nghiệm về vấn đề này rồi, nếu chúng ta tìm hiểu chưa kỹ mà đã áp dụng thì không ổn.

Từ sự phân tích trên, tôi chỉ ủng hộ chủ trương bổ sung sắt, kẽm vào thực phẩm theo hướng: Các sản phẩm, thực phẩm chế biến tại nhà nên tăng cường iốt. Còn trong công nghiệp chế biến thì không nên ép buộc mà chỉ nên khuyến khích.

Nhiều doanh nghiệp nêu ra hàng loạt bất cập trong việc phải bổ sung sắt, kẽm, iốt… vào thực phẩm. Ảnh: TÚ UYÊN

Ông NGUYỄN HOÀI NAM, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP):

Vô cùng rắc rối với các nước

Ông NGUYỄN HOÀI NAM

Thời gian qua, chúng tôi đã có hàng loạt cuộc đối thoại và công văn gửi Chính phủ cùng các cơ quan chức năng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc tại Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất trong thực phẩm. Đặc biệt là quy định buộc phải bổ sung sắt, kẽm, muối iốt… vào thực phẩm.

Thực tế khi quy định bổ sung iốt có hiệu lực, DN thủy sản khi xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn như phải kèm văn bản cam kết lô hàng không sử dụng muối iốt do thị trường nhập khẩu không chấp nhận. Đơn cử như vừa qua Công ty VietFoods phải kèm theo một bức thư với khách hàng nước ngoài là không dùng iốt, nếu không đơn hàng đó không xuất khẩu đi được vì nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng các vi chất mà Việt Nam bắt buộc; hoặc muốn xuất khẩu vào nước họ phải xin phép, công bố, chứng minh vô cùng rắc rối.

Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế gấp rút sửa đổi, thay thế Nghị định 09/2016 như chỉ đạo của Chính phủ nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc mà DN đang gặp phải. Tôi cho rằng cơ quan chức năng không nên quản lý theo kiểu nhà có ba đứa con, trong đó chỉ một đứa viêm họng nhưng bắt cả ba đứa uống kháng sinh.

PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Trưởng ban Quản lý an toàn  thực phẩm TP.HCM:

Cơ quan quản lý cũng khổ

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN

Theo tôi, việc bổ sung vi chất là đúng nhưng bổ sung ở đối tượng nào, bổ sung như thế nào và làm thế nào hiệu quả nhất mà không lãng phí cho xã hội, không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN mới quan trọng. Thực tế từ lúc đưa ra Nghị định 09 đến giờ, không chỉ các DN khổ mà cơ quan quản lý ngành địa phương cũng khổ.

Chúng tôi cũng nhận được chỉ đạo của UBND TP.HCM là phải hướng dẫn cho DN nhưng quả thật chúng tôi không biết hướng dẫn cái gì bây giờ. Rất khó, chả lẽ nói thẳng ra với DN là “đừng có làm”, chờ xem quyết ra sao đã.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn không kiểm tra DN chế biến thực phẩm đối với chỉ tiêu iốt nhưng tôi không đồng ý với cách làm như vậy. Cách làm này không bền vững bởi quy định bắt buộc bổ sung iốt trong thực phẩm vẫn còn, DN vẫn phải thực hiện, làm đúng với quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng đã ra Nghị quyết 19/2018, trong đó có nội dung sửa đổi quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm… nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN rồi. Bộ Y tế chưa thực thi có phải là trên bảo dưới không nghe? Chính phủ to hay Bộ Y tế to?

Trong năm nay sẽ sửa đổi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 26-6, đại diện Bộ Y tế cho hay những kiến nghị của DN về một số quy định trong Nghị định 09/2016 Bộ Y tế đã lắng nghe và tiếp thu. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ bám sát, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19/2018.

Theo đó, Bộ Y tế được Chính phủ giao nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Việc sửa đổi này sẽ bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt”; bãi bỏ quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm sử dụng mà thôi.

Việc sửa đổi này Chính phủ quy định sẽ phải hoàn thành trong năm 2018 và Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện yêu cầu này.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho hay bộ này đang phối hợp với Bộ Công Thương và một số bộ, ngành khác để ban hành quy chuẩn kỹ thuật chính về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm