Ông Sarkozy là tổng thống Pháp từ năm 2007 đến năm 2012. Vào sáng 20-3, ông đã bị cảnh sát bắt giữ và đưa về thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát ở vùng ngoại ô Nanterre, phía Tây Paris.
Giữa đêm 20-3, ông Sarkozy đã được thả tự do. Tuy nhiên, sau đó ông tiếp tục bị cảnh sát bắt giữ vào 8 giờ sáng 21-3. Cảnh sát có thêm 24 giờ để thẩm vấn ông. Sau lần thẩm vấn thứ hai này, ông Sarkozy có thể được trả tự do hoặc có khả năng phải ra hầu tòa.
Đây có thể là vụ bê bối tài chính-chính trị lớn nhất ở Pháp trong nhiều thập niên qua. Ông Sarkozy đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc, khẳng định rằng những cáo buộc trên là “lố bịch”.
Đây là lần đầu tiên ông Sarkozy bị cảnh sát bắt giữ để thẩm vấn. Năm 2013, chính quyền Pháp từng mở một cuộc điều tra về việc nhận hỗ trợ tài chính từ Libya trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, cuộc điều tra này không chỉ rõ danh tính nghi phạm.
Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy được thả tự do vào giữa đêm 20-3, tuy nhiên bị bắt giữ trở lại vào sáng 21-3. Ảnh: REUTERS
Các nhà điều tra cho biết chính quyền ông Gaddafi đã bí mật tài trợ khoản tiền 50 triệu euro cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007. Khoản tiền này hơn gấp đôi số tiền quyên góp tối đa cho một ứng viên tổng thống Pháp, vào thời điểm đó là 21 triệu euro.
Vào tháng 4-2012, trang web điều tra Mediapart đã công bố một tài liệu khẳng định được ký kết bởi nhân vật cấp cao của Libya. Theo nội dung tài liệu, chính quyền Libya chấp thuận khoản tiền 50 triệu euro để “ủng hộ” chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy. Trước đó, ông Sarkozy đã khẳng định đây là tài liệu giả mạo. Tuy nhiên, sau đó một tòa án của Pháp đã tuyên bố đây là những tài liệu thật và được phép sử dụng trong các cuộc điều tra.
Đến nay, ông Sarkozy vẫn từ chối phản hồi trước cuộc triệu tập thẩm vấn.
Cuộc điều tra này dường như càng diễn ra nhanh hơn sau khi Ziad Takieddine, một doanh nhân có quan hệ thân thiết với chính quyền ông Gaddafi, trả lời trang Mediapart vào năm 2016 rằng ông đã từng đích thân chuyển những va ly đựng tiền mặt từ lãnh đạo Libya đến quỹ tranh cử của ông Sarkozy. Ông cho biết đã thực hiện ba chuyến đi từ Tripoli đến Paris vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Mỗi lần ông nhận một va ly tiền mặt từ trưởng Cục Tình báo quân đội Libya.
Ngoài ra, ông Sarkozy cũng có một mối quan hệ phức tạp với ông Gaddafi. Ngay sau khi trở thành tổng thống Pháp, ông từng mời nhà lãnh đạo Libya đến thăm Pháp và đón tiếp với những nghi lễ trang trọng. Tuy nhiên, năm 2011, ông Sarkozy đã đưa Pháp vào tuyến đầu trong các cuộc không kích của NATO nhằm vào binh sĩ chính quyền Gaddafi, giúp lực lượng nổi dậy ở Libya lật đổ Gaddafi.
Vào tháng 3-2011, con trai của ông Gaddafi là Saif al-Islam Gaddafi từng nói với tờ Euronews rằng: “Ông Sarkozy phải trả lại khoản tiền Libya đã hỗ trợ ông ta trong chiến dịch tranh cử. Chúng tôi đã hỗ trợ tài chính cho ông ta và chúng tôi có bằng chứng. Điều đầu tiên chúng tôi yêu cầu là ông ta trả lại khoản tiền đó cho người dân Libya”.
Ông Sarkozy đã bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng chính quyền Libya thù hằn vì Pháp tham dự vào cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu, chấm dứt 41 năm cầm quyền của ông Gaddafi.
Hiện đoàn luật sư của ông Sarkozy chưa đưa ra bình luận về cuộc thẩm vấn.
Trước đó, ông Sarkozy cũng từng bị yêu cầu phải ra tòa vì dính líu tới vấn đề gian lận tiền bạc trong chiến dịch tái tranh cử vào năm 2012. Vụ việc này còn được biết đến với tên gọi vụ Bygmalion. Văn phòng ông Sarkozy đã được một công ty cấp nhiều hóa đơn, chứng từ giả để che giấu những khoản chi tiêu vượt xa mức hợp pháp. Ông Sarkozy đã bác bỏ tất cả cáo buộc này.