Ngày 19-3, Nga phản pháo kịch liệt trước những chỉ trích liên tục của Anh rằng Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal.
“Sớm muộn gì các cáo buộc vô căn cứ này sẽ phải trả lời: hoặc cung cấp bằng chứng thích đáng để chứng minh hoặc phải xin lỗi” – người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố ngày 19-3.
Cựu điệp viên Skripal bị Nga bắt giam năm 2006 vì bán bí mật quốc gia cho tình báo Anh trong 10 năm, được thả năm 2010 theo chương trình trao đổi điệp viên cấp cao với Anh. Vụ đầu độc xảy ra ngày 4-3. Hiện ông Skripal và con gái vẫn nguy kịch tại bệnh viện.
Nga trước sau vẫn khẳng định cáo buộc của Anh là vô căn cứ, không bằng chứng. Ngày 19-3, phát biểu sau chiến thắng lần thứ 4 trong cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả cáo buộc là “rác rưởi, vô nghĩa”. Ông Putin khẳng định Nga đã tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học và sẵn sàng tham gia điều tra.
Điều tra hiện trường cha con cựu điệp viên Skripal bị đầu độc ở Salisbury (Anh). Ảnh: REUTERS
Ngày 19-3, Hội đồng châu Âu (EC) ra tuyên bố rằng họ xem đánh giá của Anh trong đó nói Nga khả năng lớn là thủ phạm trong vụ đầu độc là “cực kỳ nghiêm trọng”. EC cho biết rất sốc trước việc một loại chất độc hóa học được phát triển ở Nga lần đầu tiên được sử dụng trên đất châu Âu trong hơn 70 năm qua. EC kêu gọi “Nga trả lời gấp các nghi ngờ của Anh và cộng đồng quốc tế, cung cấp ngay lập tức và toàn diện thông tin về chương trình chất độc Novichok cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW)”.
Vài giờ sau, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố đáp trả, rằng Liên minh châu Âu (EU) đã bất chấp kết luận của OPCW là Nga đã hoàn tất tiêu hủy kho vũ khí hóa học vào năm ngoái. “Chúng tôi chẳng có gì phải thông tin theo yêu cầu của EU, khi mà không có chất độc nào dưới cái tên Novichok được sản xuất hay tàng trữ ở Nga. Có lẽ EU nên chuyển các câu hỏi sang Anh hoặc các nước thành viên khác vẫn đang phát triển các thành phần này” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova "đá xoáy" về cáo buộc liên quan đến chất độc thần kinh Novichok.
Theo bà Zakharova, nguồn gốc chất độc hóa học Novichok có thể bắt nguồn từ nước Anh, cũng có thể từ Slovakia, Cộng hòa Czech, Thụy Điển, và cả từ Mỹ. Lý do là các nước này đã nghiên cứu các thành phần liên quan đến dự án chất độc hóa học Novichok từ thập niên 1990.
Hai cha con cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal. Ảnh: EPA
Vì chuyện này, quan hệ giữa Nga với Anh và các nước phương Tây đang rất căng thẳng. Tuần trước, Thủ tướng Anh Theresa May hai lần đứng trước Nghị viện quy trách nhiệm cho Nga về vụ đầu độc. Bà May tuyên bố một loạt biện pháp trừng phạt Nga như trục xuất 23 nhà ngoại giao, ngưng trao đổi quan chức cấp cao, phong tỏa tài sản chính phủ Nga tại Anh, hủy chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến Anh.
Anh và các đồng minh kêu gọi Nga công khai chi tiết về chất độc thần kinh Novichok cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). Chất độc thần kinh Novichok được phát triển từ thời Liên bang Xô Viết. Trong một tuyên bố chung, Mỹ, Đức, Pháp cùng lên án Nga đứng đằng sau vụ đầu độc.
Trong ngày 19-3, một nhóm nhà điều tra OPCW đến Anh lấy mẫu chất độc thần kinh đã được sử dụng trong vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal.